google_map_aujf.jpg
Những người biểu tình tập hợp bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Manila ngày 07/7/2015, lên án tuyên bố của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông (Ảnh AFP).

1. Mới đây trang web của Google Maps cho biết, Google đã bỏ tên tiếng Trung dành cho bãi cạn Scarborough ở Biển Đông khỏi dịch vụ Google Map của mình sau lời kêu gọi của người dân Philippines.

Ban đầu, Google để cả tên tiếng Trung và tên quốc tế (Scarborough) của bãi cạn này. Sau đó hãng đã bỏ tên Trung Sa theo yêu cầu của người dân Philippines rằng, hãng cần phải bỏ tên bãi cạn này ra khỏi vùng lãnh thổ của Trung Quốc.

Tuần trước, trang web mang tên Change.org đã lên một chiến dịch yêu cầu Google Maps bỏ tên tiếng Trung của bãi cạn này trên bản đồ của họ. Chiến dịch này đã nhận được sự ủng hộ của gần 2.000 người.

Một đảo nhân tạo do Trung Quốc cải tạo phi pháp ở Biển Đông (Ảnh CSIS)

2. Trong một diễn biến liên quan, từ ngày 7-13 Tòa án Trọng tài Quốc tế đã bắt đầu nghe phản biện của phía Philippines về những tuyên bố sai trái của Trung Quốc về chủ quyền của nước này ở Biển Đông.

Kết thúc phiên điều trần lần này, PCA đã đưa ra thời hạn mới là ngày 23/7 để Philippines có thể hoàn thiện, bổ sung cho các câu trả lời đối với toàn bộ các câu hỏi mà Tòa đã đặt ra trong suốt một tuần qua.

PCA cũng tuyên bố, Tòa có nghĩa vụ phải “đảm bảo mỗi bên có cơ hội đầy đủ để được lắng nghe và trình bày vấn đề của mình”, đồng thời cho phép Trung Quốc đưa ra các phản hồi bằng văn bản trước ngày 17/8. Trung Quốc từ trước đến nay vẫn từ chối tham gia vụ kiện.

Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga bị rơi hôm 14/7 do hỏng ba hệ thống động cơ đẩy. Trong bức ảnh, một sĩ quan Nga có một hình ảnh của một máy bay ném bom Tu-95 tại căn cứ không quân ở Engels, khoảng 900 km (559 dặm) về phía nam Moscow (Ảnh Reuters).

3. Ngày 14/7 xảy ra vụ rơi máy bay ném bom Tu-95 ngay gần biên giới Trung Quốc do chiếc máy bay này hỏng gần hết các động cơ. Vụ tai nạn này khiến Nga phải yêu cầu tạm ngừng hoạt động phi đoàn Tu-95 để tiến hành kiểm tra về mặt kỹ thuật.

Các sự cố máy bay chiến đấu rơi liên tục xảy ra ở Nga như thời gian vừa qua khiến giới chuyên gia nhận định là phải lưu ý đến các lỗi hệ thống và các vấn đề xảy ra bên trong Lực lượng không quân nước này.

Ông Yasukazu Hamada (giữa), chủ trì một cuộc họp của Quốc hội bàn về Dự thảo luật an ninh của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, bị các nhà lập pháp đối lập phản đối tại nhà quốc hội ở Tokyo, ngày 15/7/2015 (Ảnh AFP).

4. Chiều 15/7 (theo giờ Nhật Bản) Ủy ban đặc biệt về Luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản đã thông qua Luật an ninh mới của Thủ tướng Shinzo Abe.

Tuy nhiên, việc Ủy ban đặc biệt về Luật an ninh của Hạ viện Nhật Bản thông qua Luật an ninh đã vấp phải một số dư luận phản đối khi cho rằng thông qua mà không giải thích rõ cho nhân dân là không thể chấp nhận được.

Vẫn nhiều ý kiến phản đối khiến dư luận cho rằng nếu như Luật an ninh mới được thông qua Hạ viện trong tuần này (cụ thể là ngày 16/7) sẽ gây ảnh hưởng lớn tới quyết định của Thượng viện.

Chiến binh Iraq dòng Shiite giữ vị trí trên chiến trường Tharthar, cửa ngõ tỉnh Anbar, Iraq (Ảnh AFP).

5. Ngày 14/7, trong chiến dịch quân sự tại tỉnh Anbar, quân đội Iraq đã tiêu diệt tổng cộng 17 tay súng nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), phá huỷ 3 xe có cài bom và tịch thu một vài đai đánh bom tự sát. Đây là một trong loạt chiến dịch "đánh bật" IStrên khắp đất nước.

Giới chức trách Iraq cho biết, quân đội chính phủ hiện nắm toàn quyền kiểm soát khu vực phía Đông thành phố Ramadi, thuộc tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad khoảng 110 km  về phía Tây./.