Tàu ngầm của Indonesia mất tích sáng 21/4 và nước này đang đề nghị sự trợ giúp từ Australia và Singapore để tìm kiếm, người đứng đầu quân đội Indonesia cho hay.

Tàu ngầm do Đức sản xuất KRI Nanggala-402 đang tiến hành tập trận phóng ngư lôi ở vùng biển thuộc phía bắc đảo Bali thì mất liên lạc, người phát ngôn Hải quân Indonesia cho biết.

Theo Bộ Quốc phòng Indonesia, các nhà chức trách đã phát hiện ra dấu vết tràn dầu gần địa điểm lặn của con tàu sau một cuộc tìm kiếm từ trên không.

"Vào 7h sáng (giờ Indonesia) từ vị trí quan sát trên cao của trực thăng, chúng tôi đã phát hiện ra vết dầu loang quanh vị trí lặn ban đầu của con tàu", Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết. Trên tàu ngầm này có 49 thủy thủ đoàn, 3 pháo thủ và 1 chỉ huy tàu.

"Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm 53 người mất tích trong vùng biển Bali, cách đảo Bali khoảng 96km", Tham mưu trưởng quân đội Indonesia, Tướng Hadi Tjahjanto cho hay.

Ông Hadi Tjahjanto cũng xác nhận việc Indonesia kêu gọi Australia và Singapore hỗ trợ tìm kiếm tàu ngầm và các thủy thủ đoàn đang mất tích. Ông cho biết, con tàu mất liên lạc vào 4h 30 phút ngày 21/4 (giờ địa phương).

Cựu chỉ huy tàu ngầm hạt nhân Ryan Ramsey cảnh báo có thể không bao giờ tìm thấy các thủy thủ đoàn bởi vùng biển mà họ mất tích có độ sâu hàng nghìn mét.

"Nếu điều gì đó xảy ra, việc Nanggala-402 được tìm thấy là điều gần như bất khả thi", cựu quan chức Hải quân Indonesia nhận định với The Sun.

"Bali là một đảo núi lửa bao quanh là những vùng nước sâu, thậm chí lên tới 1.590 mét. Điều này đã cản trở khả năng tìm kiếm những người sống sót. Nếu có vấn đề xảy ra trong cuộc tập trận, lẽ ra họ đã cho con tàu nổi lên. Tuy nhiên, việc họ không thể điều khiển để con tàu nổi lên chứng tỏ đã có điều gì đó rất dữ dội xảy ra cùng lúc".

Người phát ngôn Hải quân Indonesia, Đô đốc Julius Widjojono nhận định với truyền thông địa phương rằng, tàu ngầm này có thể đã ở trong một rãnh biển "có độ sâu từ 600 - 700 mét".

Tàu ngầm KRI Nanggala không có cửa thoát hiểm nên cách duy nhất mà những người sống sót có thể làm là mặc "bộ đồ thoát hiểm" và thoát ra qua tháp chỉ huy.

Những bộ trang phục như vậy giúp người mặc có thể sống sót khoảng 24h trên mặt nước nhưng chúng chỉ có hiệu quả trong vùng biển có độ sâu khoảng 200 mét.

"Khả năng được cứu là rất thấp do thiết kế của tàu ngầm", ông Ramsey cho hay.

KRI Nanggala-402 nặng 1.395 tấn bắt đầu hoạt động từ năm 1981./.