Năm 2016, Australia đã đồng ý mua 12 tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel do Naval Group chế tạo trong một thỏa thuận được gọi là “hợp đồng thế kỷ” trị giá 36,5 tỷ USD, sau đó được định giá lại là 60 tỷ USD.

Tuy nhiên, vào tuần trước, Australia đã hủy bỏ hợp đồng này và chuyển sang hợp tác với Mỹ và Anh trong thỏa thuận tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Điều này đã khiến Pháp nổi giận và gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao.  

Giám đốc điều hành tập đoàn Naval Group Pierre Eric Pommellet hôm 22/9 cho biết sẽ gửi hóa đơn bồi thường tới Australia “trong vài tuần nữa”.

“Australia đã chấm dứt hợp đồng vì lợi ích của họ, bởi vậy chúng tôi không có lỗi. Đây là một tình huống đã được ghi trong hợp đồng và sẽ cần có khoản chi phí bồi thường phát sinh, liên quan đến việc ngừng sử dụng cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin, cũng như tái điều động nhân lực. Chúng tôi sẽ thực thi quyền của mình”, ông Pommellet nói.

Trước đó, Australia đã phàn nàn rằng thỏa thuận với Naval Group chậm tiến độ nhiều năm và vượt quá ngân sách.

Bộ Quốc phòng Pháp cho biết, Naval Group đã bắt đầu đàm phán về vấn đề tài chính với Canberra. Naval Group đã sử dụng 900 triệu Euro (tương đương 1,1 tỷ USD) cho hợp đồng chế tạo tàu ngầm với Australia. Tuy nhiên, tập đoàn công nghiệp quân sự không chịu thiệt hại nào do chính quyền Australia đã chi trả trước khoản này.

Bộ Quốc phòng Pháp gọi việc hủy hợp đồng của Australia là “sự phản bội” và cho biết, các cuộc đàm phán sẽ xác định quy mô của các khoản bồi thường và thiệt hại mà Canberra phải chi trả./.