Hai nhà sản xuất vaccine Trung Quốc, Sinovac và Sinopharm vừa đồng ý đóng góp hơn 100 triệu liều vaccine thông qua cơ chế COVAX và con số này còn có thể tăng thêm. Thỏa thuận đạt được trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 đang gây ra nguy cơ ngày càng tăng đối với các hệ thống y tế.

Người đứng đầu Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI), ông Seth Berkley đã ngay lập tức hoan nghênh các thỏa thuận khi bổ sung thêm 2 loại vaccine vào danh mục vaccine của COVAX, cùng với các vaccine của AstraZeneca, Johnson&Johnson, Moderna và Pfizer.

“Với việc virus đang hoành hành ngoài tầm kiểm soát ở nhiều nơi trên thế giới và ngày càng có nhiều biến thể mới xuất hiện, hành động tập thể và cam kết công bằng vẫn là hy vọng duy nhất của chúng ta để chấm dứt đại dịch”, ông Berkley nói.

Cùng ngày, Canada thông báo sẽ tặng thêm 17,7 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca cho COVAX, bổ sung vào 13 triệu liều mà nước này cam kết trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hồi giữa tháng 6 vừa qua.

Thời gian gần đây đã chứng kiến nhiều nước giàu gia tăng cam kết chia sẻ vaccine trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng ở những nước này đang cho phép mọi người trở lại cuộc sống bình thường. Một trong những cam kết đáng chú ý là việc các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu G7 nhất trí cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine cho phần còn lại của thế giới theo cách trực tiếp hoặc thông qua COVAX. Trong số này có 500 triệu liều vaccine Pfizer do Mỹ cung cấp qua sáng kiến COVAX trong năm 2021 và 2022. Nhật Bản cũng khẳng định sẽ đóng góp 30 triệu liều, trong khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021.

Những cam kết liên tiếp được đưa ra trong bối cảnh COVAX vẫn chưa thể phát huy được hết công năng của mình để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình, vốn đang phải đối mặt với hai vấn đề lớn: thiếu tài chính và hạn chế về vaccine trên thị trường. Tính đến ngày 12/7, COVAX đã phân phối hơn 102 triệu liều cho 135 quốc gia, thấp hơn nhiều so với mục tiêu được công bố hồi đầu năm và tốc độ đã chậm lại trong những tuần gần đây. Trong khi đó trên quy mô toàn cầu, khoảng 3,3 tỷ liều vaccine ngừa Covid-19 đã được sử dụng trên khắp thế giới và chỉ 1% trong số này được sử dụng ở các nước nghèo nhất.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: “Chúng ta đã có một số loại vaccine an toàn và hiệu quả để ngăn ngừa Covid-19; có chẩn đoán nhanh, có oxy... nhưng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước. Trên khắp thế giới, mọi người đang chết vì họ không được tiêm chủng, không được xét nghiệm và không được điều trị”.

COVAX là một cơ chế được xây dựng nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và bình đẳng đối với vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo. Đây được xem như một phản ứng đa phương đối với thách thức về sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay. Dẫu nỗ lực này tới nay mới chỉ như "muối bỏ bể" và thế giới cần nhiều hơn thế, song rõ ràng, sự đoàn kết và chia sẻ lợi ích đang ngày càng giúp thế giới tự tin hơn trong đối phó dịch bệnh để đảm bảo phân phối vaccine công bằng cho các nước nghèo, đồng thời thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu một cách mạnh mẽ sau đại dịch./.