Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean- Yves Le Drian ngày 2/10 thảo luận về khả năng can dự của Pháp tại Syria. Tuy nhiên, sau cuộc gặp hai bên vẫn chưa đưa ra được tuyên bố cụ thể nào. Dù ủng hộ việc thành lập liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, song tới nay Pháp vẫn từ chối tham gia không kích tại Syria.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel khẳng định, ông và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian đã thảo luận về khả năng can dự của Pháp tại Syria trong cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Theo ông, cả Pháp và Mỹ đều nhận thức được mối đe dọa nghiêm trọng mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đang gây ra và mối nguy cơ này sẽ không chỉ dừng lại ở một số khu vực biên giới hay một số nước.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: “Các lực lượng của Pháp và Mỹ sẽ tiếp tục sát cánh trong việc hỗ trợ các lực lượng trên bộ của Iraq như cử máy bay tuần tra, cung cấp thông tin tình báo, nhận dạng vị trí của nhóm Nhà nước Hồi giáo tại Iraq. Cả Pháp và Mỹ đều nhận thức được mối de dọa nghiêm trọng mà nhóm cực đoan này đặt ra đối với các lợi ích chung tại khu vực và cho công dân hai nước”.
Tuy nhiên, trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian không đề cập vấn đề này mà chỉ nhấn mạnh, Pháp tiến hành không kích ở Iraq theo đề nghị của chính quyền sở tại và rằng cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan này mới chỉ ở những giai đoạn đầu.
Ông Le Drian nói: “Liên minh quốc tế chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo chỉ mới vừa được thành lập và có thể chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu trong một cuộc chiến lâu dài. Pháp đã quyết định can thiệp tại Iraq sau khi nhận được yêu cầu chính thức của nước này, phù hợp với Điều 51 Hiến chương Liên Hợp Quốc”.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh hiện có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh lập trường của Pháp không tham gia các chiến dịch không kích tại Syria, dù ủng hộ việc thành lập liên minh quốc tế trong cuộc chiến này và nhất là khi Mỹ, một đồng minh quan trọng của Pháp cũng đang tăng cường các chiến dịch tại Syria.
Theo các nhà phân tích, 4 nguyên nhân có thể lý giải cho sự do dự của Pháp. Thứ nhất là do Chính phủ Syria không đưa ra yêu cầu chính thức. Cả Tổng thống Pháp Holande và Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian đều không dưới một lần nhấn mạnh, Pháp thực hiện chiến dịch tại Iraq là sau khi có sự yêu cầu của Chính phủ nước này.
Việc một nước yêu cầu hỗ trợ quân sự là rất quan trọng. Bởi trên thực tế điều này sẽ cho phép một nước hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Nhưng câu hỏi đặt là nếu Syria cũng yêu cầu điều tương tự thì Pháp có chấp nhận hay không. Một thông cáo phát đi hôm qua của phủ Tổng thống Pháp khẳng định, trong bất kỳ trường hợp nào Pháp sẵn sàng hỗ trợ mọi quốc gia khi có yêu cầu để có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp cần thiết.
Lý do thứ 2 là khó khăn của Pháp trong lựa chọn giữa cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo và chống chính quyền Tổng thống Syria al- Assad. Cần phải nhắc lại rằng, Pháp vẫn luôn công khai thể hiện sự không hài lòng với Tổng thống Syria và chính quyền của ông này. Khi được hỏi liệu đây có phải là lý do khiến Pháp từ chối can dự tại Syria hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp không hề phủ nhận lập trường này, thậm chí còn nhấn mạnh, toàn thế giới chống lại ông al- Assad, chứ không chỉ riêng nước Pháp.
Thứ 3 là việc chia sẻ trách nhiệm giữa các nước trong liên minh quốc tế chống nhóm Nhà nước Hồi giáo. Trên thực tế, cả Tổng thống Pháp Holande và Bộ trưởng Quốc phòng Le Drian đều nhiều lần nhấn mạnh, Pháp và Mỹ đang có sự phân chia vai trò. Tức là nếu một số nước can thiệp tại Iraq, thì cũng phải có một số khác tại Syria.
Cuối cùng, nếu Pháp không không kích nhóm nhà nước Hồi giáo tại Syria là bởi vì nước này cũng đang chiến đấu tại khu vực song dưới một hình thức khác. Trong một phát biểu đưa ra ngày 22/09, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh, tại Iraq, Pháp đang tham gia chiến dịch hỗ trợ không quân còn tại Syria, Pháp hỗ trợ lực lượng đối lập.
Phủ Tổng thống Pháp ngày 2/10 cũng nhấn mạnh, Pháp sẽ tiếp tục và sẽ tăng cường hỗ trợ lực lượng đối lập tại Syria trong cuộc chiến chống nhóm các hồi giáo cực đoan. Bởi theo Pháp, chống lại các nhóm cực đoan thông qua lực lượng đối lập Syria vừa cho phép tiếp tục theo đuổi các mục tiêu mà vẫn không cần hợp tác với chính quyền Tổng thống al-Assad./.