Kế hoạch này được nêu trong thư của tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ gửi Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ hôm 22/7. Ông Dempsey nói rằng tất cả các phương án quân sự đã được trình bày với tổng thống.

tin-syria.jpg
ảnh: ru.wikipedia.org

Bức thư nêu các phương án như cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy, không kích từ xa vào các lực lượng chính phủ, lập khu vực cấm bay trên Syria, vùng đệm trên biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Jordan. Và cuối cùng, sử dụng lực lượng đặc nhiệm Mỹ để tìm kiếm vũ khí hóa học.

Tất cả những kế hoạch đã được đề cập từ trước. Và điều đáng ngạc nhiên chủ yếu là tại sao chúng được công bố bây giờ và sẽ có những bình luận gì về điều này.

Thư của ông Dempsey là phản ứng đối với răn đe của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain. Vốn là người nồng nhiệt ủng hộ can thiệp quân sự vào Syria, ông McCain đe dọa sẽ ngăn chặn việc bố trí Dempsey vào vị trí quân sự cao nhất Hoa Kỳ, nếu như kế hoạch hành động sẽ không được trình bày trong những tuần tới. Từ lâu, Dempsey và McCain vốn đã không ưa nhau. Ba ngày trước khi công bố bức thư, đã có cuộc tranh luận gay gắt giữa hai người này tại Thượng viện.

Các vị tướng lãnh Hoa Kỳ ít khi đưa ra đánh giá chính trị đối với các kế hoạch quân sự của mình. Nhưng lần này, Tướng Dempsey đã bổ sung thêm vào bản kế hoạch những lời bình luận nghiêm ngặt. "Trước khi bắt tay hành động, chúng ta cần phải được chuẩn bị thực tế về những gì sẽ xảy ra sau đó, - Tướng Dempsey cảnh báo. Sẽ rất khó tránh việc mở rộng các biện pháp can thiệp. Chúng ta có thể vô tình củng cố những kẻ cực đoan, hoặc gây ra hậu quả sử dụng vũ khí hóa học, thứ mà bản thân chúng ta muốn kiểm soát".

Tướng Dempsey nói với các phóng viên rằng đôi khi việc áp dụng lực lượng quân sự sẽ đem đến những hậu quả không mong muốn:

“Tôi đã trình bày quan điểm của tôi với tổng thống. Chúng tôi cung cấp cho ông tất cả các phương án tùy chọn có thể, giới thiệu những phương án đó với các thành viên Ủy ban các lực lượng vũ trang trong buổi điều trần kín và đánh giá những rủi ro tiềm năng của các hành động khác nhau. Vấn đề có nên sử dụng hay không sử dụng vũ lực sẽ do các nghị sỹ quyết định”.

Theo tính toán của quân đội Mỹ, chi phí cho bất kỳ phương án hành động ở Syria cũng sẽ là từ 500 triệu USD/1 năm (bao gồm cung cấp vũ khí và đào tạo chiến binh) đến 1 tỷ USD/tháng - trong trường hợp can thiệp rộng.

Phe đối lập Syria đang cố gắng để Mỹ can thiệp tích cực hơn nữa. Hai ngày trước, chỉ huy quân đội Syria Tự do Salim Idris đã đến New York để đạt mục đích này. Trong khi đó, sau cuộc đàm phán tổ chức ngày 22/7, tại Moscow với Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhắc lại rằng không thể giải quyết tình hình Syria bằng biện pháp quân sự: “Chúng tôi khẳng định với tất cả rằng cần phải thông qua sáng kiến Nga - Mỹ triệu tập càng sớm càng tốt hội nghị quốc tế về Syria mà không cần điều kiện tiên quyết. Đáng tiếc là bây giờ, trái ngược với chính phủ Syria, đa số phe đối lập, trong đó có Liên minh quốc gia, không thể hiện sự sẵn sàng như vậy”.

Ai sẽ tham gia hội thảo "Geneva-2" về giải quyết Syria và khi nào nó diễn ra – điều đó vẫn còn chưa rõ ràng. Tại Washington, Bộ Ngoại giao tuyên bố rằng hai tuần trước phe đối lập đã bầu lãnh đạo mới và phải chờ đợi cho đến khi họ xác định được quan điểm của mình về cuộc đàm phán./.