Ngay từ năm 2011 Nga đã cực lực phản đối các nước phương Tây gây sức ép đối với chính quyền của ông al-Assad khi xảy ra các cuộc nổi dậy của người dân tại quốc gia này.
Nga cũng tuyên bố rằng phiến quân chứ không phải quân đội chính phủ mới là kẻ đứng đằng sau cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học giết hại hơn 100 thường dân Syria hồi đầu tháng 8.
Tuy nhiên hành động này của Nga được cho là sẽ không thể gây ảnh hưởng đến Mỹ và các đồng minh thân cận như Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đang tìm cách thúc đẩy một cuộc tấn công quân sự vào quốc gia Trung Đông này.
Tổng thống Obama vẫn để ngỏ khả năng sẽ tấn công quân sự vào Syria bất chấp việc có thể sẽ không nhận được “cái gật đầu” từ các nhà lập pháp của hai viện Quốc hội Mỹ.
Syria vẫn nhận viện trợ từ Nga (Ảnh RIA) |
Chính vì vậy một câu hỏi đang được quan tâm là liệu Nga sẽ phản ứng như thế nào trước viễn cảnh này và liệu vị thế cũng như ảnh hưởng của quốc gia này có bị tổn hại nghiêm trọng hay không?
Được nhiều hơn là mất
“Việc Nga thất bại trong việc ngăn chặn các nước phương Tây chống lại quân đội của chính quyền Assad có thể làm giảm vị thế ngoại giao của Nga đối với các nước này”, ông Vladimir Akhmedov, mội chuyên gia hàng đầu về Syria làm việc tại Viện Nghiên cứu Đông phương học thuộc Học viện Khoa học Nga nói.
Tuy nhiên, việc Nga nỗ lực để “hãm” chiến dịch tấn công này tới hơn 2 năm cũng có thể được coi là một thành công “khiếm tốn” trên mặt trận ngoại giao của nước này, ông Vladimir Bartenev tại Khoa Chính trị Quốc tế, Đại học Liên bang Nga cho hay.
Cả hai học giả này đều thống nhất rằng tình hình Syria cũng tương tự như khi Nga mạnh mẽ lên tiếng phản đối việc Mỹ và các đồng minh xâm chiếm Iraq lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc năm 2003.
Moscow cũng từng thất bại trong việc ngăn chặn cuộc chiến này, nhưng vẫn xác lập rõ ràng vai trò của mình như một thế lực độc lập trên toàn cầu, đôi lúc còn chiếm được thế thượng phong và đưa ra những lời bình luận rất kẻ cả, hoài nghi về thành công của cuộc tấn công ở Iraq.
Các chuyên gia cũng cho rằng Nga hầu như không “mất mát” gì ở Trung Đông bởi lập trường của nước này hầu như không bao giờ được các quốc gia Arab tán thành.
Phần đông người Arab theo dòng Hồi giáo Sunni vốn rất thù địch với đồng minh duy nhất của Nga là Syria với các thành viên của chính quyền theo phái Alawi của dòng Hồi giáo Shiite.
Theo một nguồn tin không xác định, Saudi Arabia được cho là đã cố gắng “đi đêm” với Nga về vấn đề Syria khi đề nghị một hợp đồng vũ khí trị giá tới 15 tỷ USD với nước này vào đầu tháng 8 để Nga ngừng ủng hộ chính quyền al-Assad.
Tuy nhiên ngay cả khi đề nghị của các quốc gia Arab này là có thật thì vị thế trong tương lại của họ vẫn phụ thuộc rất lớn vào sự thành công hay thất bại của cuộc tấn công quân sự nhằm lật đổ chế độ Assad, Akhmedov nói và cho rằng điều này thì không ai có thể biết trước được.
Trong nhiều thập kỷ qua, Syria đã nhận vũ khí chủ yếu từ Nga, bao gồm máy bay chiến đấu MiG, hệ thống tên lửa phòng vệ bờ biển Bastion cũng như hệ thống phòng vệ tên lửa tối tân S-300 mà Nga được cho là đã đồng ý bán cho Damascus trước cuộc nội chiến.
Một xe tăng do Nga cung cấp tuần tra ở ngoại ô Damacus (Ảnh RIA) |
Một kịch bản về việc lật đổ thành công chính phủ của ông Assad có thể gây tổn hại đến mối quan hệ hợp tác quân sự và công nghiệp giữa hai nước này nhưng hậu quả của việc này sẽ không quá nghiêm trọng bởi các lực lượng quân đội ở cả hai phía của Syria đều sử dụng vũ khí của Nga, Akhmedov nói.
Iraq và Afganistan, hai quốc gia có chính quyền bị lật đổ trong các chiến dịch do Mỹ cầm đầu trong vòng 15 năm qua, đã nối lại việc mua các thiết bị quân sự của Nga mà họ vẫn sử dụng trong hàng thập kỷ qua.
Trong tình huống xấu nhất Nga thậm chí có thể chấp nhận mất Syria, nước chỉ nhập khoảng 5% tổng số lượng vũ khí mà nước này bán ra, thấp hơn rất nhiều so với các đối tác chủ yếu của Nga như Ấn Độ, Indonesia hay Malaysia, ông Rusla Pukhov, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ cho một nhóm nghiên cứu vì lợi nhuận ở Moscow, cho biết.
Trong khi đó, giá dầu đang được cho là sẽ tăng nhanh từ mức hiện tại là 115 USD lên mức 122-150 USD/thùng do lo ngại các nước phương Tây có thể tấn công Syria, ngân hàng Societe Generale ước tính.
Điều này giúp tạm thời thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế phụ thuộc mạnh mẽ vào dầu mỏ của Nga vốn đang phải đương đầu với nguy cơ suy thoái, ông John Lough từ Chatham House, một cơ sở nghiên cứu của Anh, nói.
Kể từ năm 1971, Nga chỉ còn một căn cứ nhỏ ở cảng Tartus ở Syria để sửa chữa và bổ sung chiến hạm của mình. Đây cũng là căn cứ quân sự ở nước ngoài cuối cùng của Nga thời kỳ hậu Xô viết.
“Căn cứ này không phải là một vấn đề cần quan tâm”, ông Phukhov cho biết đây chỉ là một căn cứ rất nhỏ bao gồm một vài trại lính và các tòa nhà dùng vào việc bảo trì tàu và cũng chỉ chứa được có hai tàu cỡ trung bình.
Nga cần làm gì?
Moscow muốn bất kỳ kế hoạch quân sự tấn công Syria nào cũng phải thông qua Liên Hợp Quốc dù nước này sẽ phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào được đệ trình, và đưa ra lý do rằng không có đủ bằng chứng thuyết phục về việc chính quyền của ông Assad đằng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học, tất cả các chuyên gia được hỏi đều nhất trí như vậy.
“Nga sẽ tuyên bố với lời lẽ cứng rắn rằng bất kì một cuộc tấn công trừng phạt nào nhằm vào chế độ của ông Assad là vi phạm pháp luật. Điều này giống như các tuyên bố trước đây của họ trong bất kỳ một cuộc tấn công trừng phạt nào do Mỹ phát động kể từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước”, Roy Allison, một chuyên gia về Tình hình Thế giới tại Antony’s College thuộc trường đại học Oxford cho hay.
Hai ngoại lệ của Nga trong vấn đề này chính là đề xuất về một cuộc tấn công quân sự của NATO vào Libya năm 2011 mà Nga bỏ phiếu trắng lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và mở đường cho tổ chức này đưa ra quyết định tấn công.
Quyết định này được đưa ra bởi ông Dmitry Medvedev, người kế nhiệm có tính cách tự do hơn Tổng thống Vladimir Putin.
Trường hợp tương tự xảy ra vào năm 2001 khi Nga không phản đối việc Mỹ và các đồng minh can thiệp quân sự vào Afganistan.
Nga vẫn sẽ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến ở Syria thông qua một kế hoạch riêng của nước này là tiến hành Hội nghị Geneve 2 nhằm thuyết phục đại diện của chính quyền ông Assad và nhóm phiến quân đám phán.
Bất chấp các cuộc không kích có thể gây thêm đổ máu ở cả hai phe, Moscow vẫn cố thiết lập Hội nghị thông qua sự hỗ trợ của Mỹ, Bartenev và Akhmenodov cho hay. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã từng nói rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ủng hộ ý tưởng về Geneve 2.
Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ cho chính quyền ông Assad cả về vũ khí và viện trợ nhân đạo như họ đã từng làm trong quá khứ, Olga Oliker, một nhà phân tích về chính trị thế giới của RAND Corp., một cơ sở nghiên cứu phi lợi nhuận tại Mỹ cho hay.
Các nhà phân tích của Nga cũng đồng quan điểm này và nói thêm rằng Moscow dường như sẽ đầu tư một khoản tiền lớn vào chế độ của ông Assad thông qua các khoản cho vay và hỗ trợ tài chính cũng như cung cấp vũ khí cho Syria dù không đưa ra một con số cụ thể nào về số lượng tiền mà Nga đã cung cấp cho Syria.
Mặc dù vậy cả hai nước sẽ không tăng cường hợp tác về quân sự, ông Bartenev nói.
Những việc cần tránh
Đồng minh số một của Syria trong khu vực là Iran, thành lũy vững chãi hàng đầu của người Hồi giáo dòng Shiite, và Nga đã từng có thời gian hợp tác với nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Nga đã xây dựng một nhà máy sản xuất hạt nhân ở thành phố Bushehr ở Iran và đồng ý bán cho Tehran một số hệ thống tên lửa phòng không S-300 mặc dù họ đã ngừng kế hoạch này năm 2010 chủ yếu do vấp phải áp lực mạnh mẽ từ các nước phương Tây và Israel.
Có thể Nga sẽ xem xét việc tham gia sâu hơn vào Iran nhưng Kremlin sẽ không muốn bị hút vào những xung đột có thể leo thang ở Syria liên quan đến Iran, ông Allison nói.
Ông cũng nói thêm rằng trong khi Nga cố gắng bảo toàn mối quan hệ với Tehran, nước này cũng sẽ cố gắng giảm tối đa những tổn thất trong mối quan hệ hòa hảo với Israel. Nga lo ngại rằng có thể nước này đã tăng cường quyền lực cho Iran quá mức nhất là khi tính đến tham vọng về hạt nhân cũng như tiếng xấu là “kẻ gây rối” trong khu vực của Iran.
Mối quan hệ của Nga với Mỹ đang ‘cơm không lành canh chẳng ngọt” nhưng Syria vẫn là vấn đề duy nhất được đặt trên bàn nghị sự của hai nước này, ông Oliker nói.
Moscow có thể sẽ tiến hành một số bước đi mang tính tượng trưng cho việc dừng hợp tác quốc phòng với các nước phương Tây, bao gồm cả vấn đề liên quan đến Iran và Afganistan, nhưng rõ ràng là Nga sẽ không theo đuổi đến cùng hành động này do những lo ngại về các vấn đề khác có thể nảy sinh, ông Lough nói.
Một điều chắc chắn là Nga sẽ không chiến đấu vì Syria, ông Lavrov đã tuyên bố thẳng thừng như vậy và có rất nhiều học giả hoàn toàn đồng ý với ông.
Giống như rất nhiều chiến dịch gần đây do Mỹ khởi xướng, một cuộc chiến tranh ở Syria không đủ động chạm đến quyền lợi địa-chính trị sống còn của Nga và do vậy Moscow sẽ không có đủ động lực để xem xét việc tăng cường đáng kể nỗ lực về quân sự và kinh tế cho các chiến dịch quân sự ở nước ngoài, các chuyên gia cho hay.
Một lo ngại nữa của Nga chính là quan điểm của công chúng nước này. Ví dụ duy nhất liên quan đến việc Nga tham gia can thiệp quân sự vào các cuộc tấn công do Mỹ khởi xướng chính là việc tiếp quản đầy bất ngờ của lính dù Nga giành sân bay Kosovo năm 1999 khiến cho thế giới phải kinh ngạc nhưng thực tế lại hầu như không có tác động gì.
Mặc dù vậy sau đó, Moscow đã có thể khoe khoang với dân chúng nước này về sự ủng hộ hết mình với những người Serbia, những người phải chịu một cuộc tấn công đầy bất công của phương Tây./.