Quyết định của Mỹ rút máy bay chiến đấu khỏi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy chính sách của Mỹ đối với Ankara ngày càng thận trọng.

tho_nhi_ky_bat_tri_zvep.jpg
Thổ Nhĩ Kỳ khó đoán định đối với cả đồng minh Mỹ. Ảnh: AP.

Trong một cuộc phỏng vấn với RT, cựu quan chức CIA Larry Johnson cho biết, động thái trên xuất hiện sau khi có những bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ có liên hệ với nhóm khủng bố IS (Daesh).

Ông Johnson nói, bằng việc rút 12 máy bay F-15 khỏi một cơ sở không quân Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã cho thấy họ không nhất trí với quan điểm quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Ông nói: “Thổ Nhĩ Kỳ, theo quan điểm của tôi, là ngoài tầm kiểm soát và một nước nào đó sẽ phải thuần phục họ”.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ không chung lợi ích trong khu vực, theo Johnson. Ankara tiếp tục “chống khủng bố” bằng việc tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các vị trí người Kurd ở Syria, trong khi chính phủ Mỹ thì kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ hãy “để cho người Kurd được yên thân”.

Cựu quan chức Johnson nói: “Họ [Thổ Nhĩ Kỳ] đang theo đuổi các lợi ích riêng bất chấp các mong muốn của Washington”.

Cựu quan chức CIA còn nhận xét rằng các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn tới việc Mỹ rút máy bay quân sự khỏi khu vực sẽ là điều tốt cho IS bởi lẽ các chiến đấu cơ của Mỹ “có khả năng cung cấp các hỗ trợ từ trên không cho các lực lượng trên bộ”, và sự vắng mặt của các phi cơ này sẽ khiến các đối thủ của lực lượng cực đoan trở nên yếu thế.

“Chúng ta đang chứng kiến động thái của ông Erdogan dịch chuyển dần Thổ Nhĩ Kỳ sang phe Sunni cực đoan. Giới tinh hoa của Thổ và Saudi Arabia có chung mục đích trong việc kiềm chế Iran”.

Johnson giải thích thêm: “Họ rất sợ hãi về sự mở rộng ảnh hưởng của Iran vì đây là một quốc gia dòng Shiite, và mức độ ảnh hưởng của Shiite mở rộng trên khắp Trung Đông một phần là do quyết định của Mỹ loại bỏ ông Saddam Hussein ở Iraq”.

Johnson cho rằng, “Người Thổ không thấy mình cần phải chú ý đến Mỹ” bởi vì “cả trên thế giới và ở Thổ đều có nhiều người coi chính quyền Obama là hoàn toàn thiếu năng lực”.

Ngoài ra, cựu điệp viên CIA cho rằng việc Mỹ rút chiến đấu cơ phản lực ra khỏi lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là kết quả của việc không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Su-24 của Nga. Theo Johnson, đây rõ ràng là một hành động khiêu khích./.