Ngày 6/11, sau khi nhận được kết quả xét nghiệm pháp y của các chuyên gia Thụy Sĩ, phu nhân cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat bà Suha cho biết, ông Arafat đã chết do bị đầu độc bằng chất phóng xạ polonium. Bà Suha cho rằng, đây chính là “một vụ ám sát mang động cơ chính trị”.

yasser-arafat-1.jpg
Cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat (Ảnh: AP)

Ông Arafat qua đời vào ngày 11/11/2004 ở tuổi 75 vì một căn bệnh không được công bố, tại Bệnh viện Percy ở Pháp. Ông có những triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy từ ngày 12/10/2004 ở Ramallah. Không lâu sau đó, sức khỏe của ông giảm sút. 

Từ khi lãnh đạo nổi tiếng của Palestine qua đời, những nghi ngờ về nguyên nhân cái chết của ông chưa bao giờ chấm dứt. Một số giả thiết về âm mưu đầu độc thường hướng vào đối thủ của Palestine là Israel.

Một nhóm các chuyên gia đến từ Viện vật lý phóng xạ thuộc trường Đại học Y khoa Lausanne, Thụy Sĩ đã tiến hành khai quật mộ ông Arafat ở thành phố Ramallah thuộc Bờ Tây hồi tháng 11/2012 để thu thập bằng chứng sau khi có nghi ngờ cái chết của ông là do bị đầu độc.

Bà Suha Arafat nói: “Điều này đã chứng minh tất cả những nghi ngờ của chúng tôi là hoàn toàn có cơ sở. Tất cả đã được làm sáng tỏ thông qua các thử nghiệm khoa học, giờ tôi đã có bằng chứng cho thấy, ông ấy bị ám sát chứ không phải chết theo cách tự nhiên”.

Bà Suha không buộc tội hay nghi ngờ một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào gây ra cái chết của nhà lãnh đạo Tổ chức Giải phóng Palestine nhưng thừa nhận rằng ông có rất nhiều kẻ thù. Bà Suha cũng lưu ý rằng, Israel đã từng xem ông Arafat như một rào cản cho hòa bình.

Trả lời hãng tin Reuters bà Suha cho rằng, ông Arafat đã bị đầu độc bởi một người thân cận vì theo các chuyên gia, chất độc polonium đã được bí mật cho vào cafe, trà hay nước uống của ông. Bà Suha nói: “Tôi rất tức giận vì những gì đã xảy ra. Đây là hành động của những kẻ hèn nhát”.

Cố Tổng thống Arafat từng ký hiệp ước hòa bình tạm thời Oslo năm 1993 với Israel và phải đối mặt với làn sóng chống đối sau khi các cuộc hội đàm với Israel thất bại vào năm 2000. Mặc dù ông Arafat có nhiều kẻ thù trong nước, song nhiều người Palestine lại cho rằng thủ phạm ám  hại ông chính là Israel, nước đã giam lỏng ông tại Ramallah trong suốt 2 năm rưỡi cuối đời.

Phát biểu sau khi có thông tin trên, ông Wasel Abu Yousef , thành viên Ủy ban điều hành của Tổ chức Giải phóng Palestine nói: “Ông Arafat là nạn nhân của một âm mưu khủng bố có tổ chức, có nhiều khả năng đó là do nhà nước Israel thực hiện”.

Tuy nhiên, phía Israel đã lên tiếng phủ nhận những cáo buộc liên quan đến cái chết của ông Arafat, Israel cho rằng, ông Arafat đã 75 tuổi khi lâm chung và ông là một người có lối sống không lành mạnh.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel Yigal Palmor cho rằng: “Đây là một vở kịch nhiều hơn là một nghiên cứu khoa học. Đây là một nỗ lực hời hợt để xác định nguyên nhân cái chết… nó tựa như là một bộ phim do bà Suha đạo diễn”.

Bà Suha Arafat, phu nhân cố Tổng thống Arafat quyết tâm làm sáng tỏ nguyên nhân cái chết của ông Arafat (Ảnh: Reuters)

Năm 2012, một phóng sự điều tra của kênh truyền hình Al Jazeera ở Qatar cho biết, họ đã phát hiện dấu vết của chất phóng xạ polonium-210 trên các vật dụng cá nhân của ông Arafat. Manh mối này được viện quân y Pháp nơi ông qua đời trao lại cho bà Suha.

Lần theo manh mối trên, các công tố viên Pháp mở cuộc điều tra về việc ông Arafat bị đầu độc theo yêu cầu của bà Suha. Các chuyên gia pháp y đến từ Thụy Sĩ, Nga và Pháp đã xin phép nhà chức trách Palestine để khai quật lăng mộ và lấy mẫu trên thi hài ông Arafat.

Năm 2012, ông Nasser al-Qidwa, cháu trai cố Tổng thống Palestine, đồng thời là Chủ tịch Quỹ Yasser Arafat cũng đã có tuyên bố cho rằng, chất phóng xạ polonium là tác nhân dẫn tới cái chết của ông Yasser Arafat và Israel là người đứng sau vụ việc này. Khi đó, ông Nasser al-Qidwa nhấn mạnh, Israel đã ám sát ông Yasser Arafat bằng cách dùng chất phóng xạ polonium để đầu độc.

Ngay sau tuyên bố của ông Nasser al-Qidwa, phát ngôn viên của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã lập tức bác bỏ cáo buộc của Chủ tịch Quỹ Yasser Arafat cũng như mọi sự dính líu của Tel Aviv tới cái chết của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat.

Bác sĩ riêng của cố Tổng thống Palestine là ông Ashraf al-Kurdi cũng từng yêu cầu khám nghiệm tử thi ông Yasser Arafat để làm rõ nguyên nhân cái chết, nhưng đề nghị của ông này đã không được đáp lại.

Bình luận về kết quả mới được các nhà khoa học Thụy Sĩ công bố, giáo sư David Barclay, một nhà khoa học pháp y của Anh cho rằng: “Những phát hiện trên cơ thể của ông Arafat qua những chất dịch từ quần lót, bàn chải đánh răng và quần áo, theo quan điểm của tôi, chắc chắn thủ phạm gây ra cái chết của ông Arafat chính là chất độc polonium”.

Ông Barclay nói thêm: “Nồng độ polonium có trong thi thể của ông Arafat là đủ để khiến ông ấy thiệt mạng. Chất độc đã được đưa vào cơ thể ông ấy với chủ ý không tốt. Loại polonium được tìm thấy trong thi thể của ông Arafat phải được sản xuất trong một lò phản ứng hạt nhân”.

Giáo sư Barclay tiết lộ, chỉ một lượng rất nhỏ chất phóng xạ polonium có trong đồ uống, thực phẩm, thuốc nhỏ mắt hoặc kem đánh răng cũng có thể tước đi mạng sống của người bị đầu độc.

Sức khỏe của ông Arafat bắt đầu suy sụp vào tháng 10/2004 với các triệu chứng tiêu chảy và nôn mửa của bệnh viêm dạ dày và viêm ruột cấp tính. Các quan chức Palestine ban đầu cho biết ông đã bị cúm.

Tổng thống Arafat đã được đưa đến Paris trên một chuyên cơ riêng và nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê và qua đời vào ngày 11/11/20004. Các bác sĩ Pháp khi ấy tuyên bố cái chết của ông Arafat là do đột quỵ, không có nhiều nghi ngờ xung quanh cái chết của ông nên tử thi đã không được khám nghiệm.

Thi hài của ông Arafet sau đó đã được đưa về Palestine chôn cất ở Ramallah, nơi trước khi qua Pháp, ông còn nói với các trợ lý rằng ông sẽ quay trở lại sau khi chữa lành bệnh.

Ngay sau khi kết quả điều tra về nguyên nhân cái chết của ông Arafat được công bố, bà Suha Arafat đã kêu gọi chính quyền Palestine mở một cuộc điều tra sâu rộng để điều tra về cái chết oan khuất này. Bà Suha khẳng định, bà và con gái là cô Zahwa Arafat sẽ theo đuổi vụ việc đến cùng cho đến khi thủ phạm được đưa ra trước công lý./.