Ngoại trưởng Trung Quốc vừa kết thúc chuyến thăm Sri Lanka, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du 5 quốc gia châu Phi, Nam Thái Bình Dương và Nam Á. Tại Sri Lanka, ông Vương Nghị đã dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc- Sri Lanka và 70 năm ngày ký kết Hiệp ước Cao su-Gạo, văn bản khởi đầu cho mối quan hệ bang giao Trung Quốc- Sri Lanka. Điểm đáng chú ý là, trong khuôn khổ chuyến thăm, Gotabaya Rajapaksa đã đề nghị Trung Quốc hoãn trả nợ cho quốc gia này.
Sri Lanka là một trong những quốc gia “mắt xích” quan trọng trong sáng kiến Vành đai-Con đường của Trung Quốc. Và dư luận nước này đã từng tranh cãi rất nhiều về việc “có hay không” việc chính phủ Sri Lanka cho Trung Quốc thuê một cảng biển lớn trong 198 năm.
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ có cuộc trao đổi với phóng viên Phan Tùng (thường trú Đài TNVN tại Ấn độ) theo dõi khu vực Nam Á đến với nội dung câu chuyện “Sri Lanka: Điểm nóng địa chính trị mới ở Nam Á?”
Phóng viên: Chào anh Phan Tùng! Chúng ta sẽ đến với câu hỏi đầu tiên: Thưa anh, Trung Quốc đang là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka và chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế đang cảnh báo chính quyền Tổng thống Rajapaksa có nguy cơ vỡ nợ. Khi nhà lãnh đạo Sri Lanka đề xuất được hoãn nợ, phía Trung Quốc trả lời thế nào và thực trạng kinh tế Sri Lanka hiện nay ra sao thưa anh?
Phan Tùng: Chuyến thăm của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Colombo đúng vào thời điểm quan trọng đối với Sri Lanka. Nước này dự kiến sẽ phải trả khoản nợ trị giá 1,5 đến 2 tỷ USD cho Trung Quốc trong năm nay. Đây là một thách thức cực lớn trong bối cảnh Sri Lanka đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có do tác động của đại dịch Covid-19. Ngành du lịch, xương sống của nền kinh tế đảo quốc Ấn Độ Dương gần như ngừng hoạt động trong suốt 2 năm qua. Điều này khiến dự trữ ngoại hối của nước này giảm nhanh. Tính đến tháng 11/2021, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka là 1,6 tỷ USD, trong bối cảnh đồng nội tệ tiếp tục suy yếu. Điều này gây ra những lo ngại rằng đảo quốc Nam Á này không thể thanh toán các hợp đồng nhập khẩu trong thời gian tới.
Trong khi đó, các khoản nợ nước ngoài đáo hạn đang tới gần như "quả bom nổ chậm" với quốc gia này. Theo dự kiến, Sri Lanka đang phải chuẩn bị để đáp ứng các nghĩa vụ nợ nước ngoài trong năm 2022, với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD, bao gồm khoản thanh toán trái phiếu 500 triệu USD vào tháng 1 và 1 tỷ USD trong tháng 7. Nhiệm vụ trước hết của Sri Lanka là phải đề nghị các chủ nợ lớn tái cơ cấu lại các khoản nợ sắp đến hạn, lùi thời gian trả nợ để có thêm thời gian phục hồi. Trung Quốc là một trong những đối tác mà Sri Lanka cần phải hợp tác vào lúc này. Bắc Kinh hiện là chủ nợ lớn nhất của Colombo. Sri Lanka đang nợ Trung Quốc khoảng 5 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng số nợ nước ngoài của nước này.
Trong chuyến thăm của ông Vương Nghị tới Sri Lanka vừa qua, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa đã bày tỏ mong muốn Trung Quốc tạo điều kiện để tái cơ cấu khoản nợ hiện có. Ông Rajapaksa cho rằng việc tái cơ cấu các khoản vay là giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka hiện tại vốn là hệ quả của đại dịch Covid-19.
Truyền thông địa phương không cho biết phản ứng của Ngoại trưởng Trung Quốc trước đề nghị này. Tuy nhiên, với tư cách là chủ nợ, phía Trung Quốc chắc chắn đã có nhiều phương án cho vấn đề này, miễn sao có lợi nhất cho các lợi ích chiến lược của mình tại Sri Lanka. Các nhà phân tích nhận định, khoản nợ của Sri Lanka không phải vấn đề quá lớn với Trung Quốc mà có thể trở thành đòn bẩy để Bắc Kinh đạt được các mục tiêu khác tại đây. Bản thân việc Sri Lanka lâm vào khủng hoảng cũng gây thiệt hại cho rất nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc tại nước này. Thậm chí, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Vương Nghị còn đề xuất ý tưởng tổ chức một diễn đàn hợp tác kinh tế của các quốc đảo Ấn Độ Dương với sự tham gia của Sri Lanka.
Phóng viên:Như anh vừa phân tích, việc Sri Lanka phải xin Trung Quốc hoãn nợ cho thấy mức độ nghiêm trọng của kinh tế nước này. Nhưng tôi và nhiều người băn khoăn, vì sao một nước nhỏ như Sri Lanka lại được mời tham gia vào nhiều dự án kinh tế lớn của Trung Quốc như vậy… Anh bình luận như thế nào về vị trí chiến lược của Sri Lanka ở Nam Á cũng như Ấn Độ Dương?
Phan Tùng: Cần thấy rằng Sri Lanka đang được coi là một trong những đối tác chủ chốt tại Nam Á tham gia vào Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Bắc Kinh hiện có nhiều dự án hạ tầng lớn tại đây, trong đó đặc biệt đáng chú ý là dự án Thành phố cảng Colombo đang triển khai. Hoặc công trình Cảng Quốc tế Hambantota ở phía Nam đất nước – nơi mà Sri Lanka đã phải cho Trung Quốc thuê 99 năm vì không đủ tiền trả khoản nợ dùng để xây dựng chính công trình này. Không phải ngẫu nhiên mà quốc đảo Ấn Độ Dương Sri Lanka lại dành được sự quan tâm nhiều tới vậy, không chỉ của Trung Quốc mà còn nhiều cường quốc khác. Đất nước này nằm ở vị trí Nam Ấn Độ Dương, ngay sát Ấn Độ, và gần như là cửa ngõ chính nối 2 phần của đại dương này. Đây là điểm chốt trên con đường hàng hải từ châu Âu, châu Phi và Trung Đông sang Đông Á và cũng sẽ là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa cho Nam Á, Đông Á và phần còn lại ở phía Tây. Cũng vì vị trí địa lý đặc biệt này mà Sri Lanka cũng sở hữu vai trò đặc biệt về an ninh tại khu vực, nhất là khi những khối liên kết an ninh chiến lược mới đang hình thành tại đây.
Tuy nhiên, điểm cốt yếu nhất cho sự nhiệt tình của các cường quốc là bởi Sri Lanka đang ‘khát’ vốn cho phát triển, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng sau nhiều thập kỷ nội chiến. Đất nước này cũng cần các thị trường cho hàng hóa xuất khẩu và cả dòng khách du lịch nước ngoài tới đây. Nhu cầu hội nhập, phát triển kinh tế cao của Sri Lanka là bối cảnh phù hợp cho các nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay Mỹ thực thi kế hoạch gia tăng ảnh hưởng tại đây. Sri Lanka cho họ cơ hội kinh tế, nhưng cũng có thể giúp họ đạt được các mục tiêu an ninh chiến lược tại Nam Á cũng như khu vực Ấn Độ Dương. Vấn đề là Sri Lanka sẽ điều phối các mối quan hệ này như thế nào để vừa phục vụ tăng trưởng kinh tế mà vừa giữ được chủ quyền và sự độc lập trong chính sách ngoại giao.
Phóng viên: Như vậy, Sri Lanka ngày càng có vai trò địa chính trị quan trọng trong khu vực và chính sách của các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng với nguy cơ vỡ nợ cận kề và dịch COVID-19 đè nặng lên vai, Sri Lanka sẽ “xoay trục” thế nào thưa anh?
Phan Tùng: Đây là câu hỏi rất khó trong bối cảnh hiện tại, khi mà đối đầu chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục gia tăng. Các cường quốc đang tranh thủ gia tăng ảnh hưởng bằng nhiều cách trên toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cụ thể nhất là thông qua các ưu đãi kinh tế, các khoản vay để tạo ra các lợi ích chính trị, quân sự, an ninh. Trong trường hợp của Sri Lanka là Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia đồng thời là các chủ nợ lớn của đảo quốc này. Tuy nhiên, với tiềm lực và vị thế của Colombo, rất khó để có thể "chọn phe" vào thời điểm này.
Sri Lanka biết rằng, Ấn Độ cảm thấy không thể an tâm trước việc Trung Quốc ngày đêm xây dựng các công trình chiến lược ở ngay sát cửa ngõ của mình, trong vùng ảnh hưởng của mình. Nhưng Sri Lanka cũng rất khó từ chối các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc dù hiểu rằng đằng sau sự giúp đỡ đó là những ràng buộc, đánh đổi lớn về lâu dài, có khả năng ảnh hưởng tới cả chủ quyền quốc gia. Nhưng nước này vẫn phải chấp nhận ở mức độ nào đó nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, tăng trưởng trước mắt. Bối cảnh hiện tại cho thấy Sri Lanka chắc chắn sẽ phụ thuộc vào các chủ nợ nước ngoài nhiều hơn để giải quyết tình hình nguy cấp hiện nay và có thể còn bị cuốn sâu hơn vào cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc tại khu vực Nam Á.
Cảm ơn phóng viên Phan Tùng với những phân tích về câu chuyện “Sri Lanka: Điểm nóng địa chính trị mới ở Nam Á”!./.