Người phát ngôn của Tổng thống Sri Lanka cho biết chính quyền đã viện dẫn các luật cứng rắn để "đảm bảo trật tự công cộng". Biện pháp mạnh được đưa ra sau khi các tổ chức công đoàn tiến hành đình công trên toàn quốc vào ngày 6/5, đòi Tổng thống từ chức vì để xảy ra khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tuyên bố tình trạng khẩn cấp được ban bố vài giờ sau khi các sinh viên tham gia biểu tình cảnh báo sẽ tiến hành bao vây, phong tỏa tòa nhà Quốc hội.
Trước đó, hàng ngàn sinh viên thuộc Liên đoàn Sinh viên Liên trường (IUSF) đã chặn cổng chính của khu nhà Quốc hội trong ngày 5/5 và tiến hành cuộc biểu tình kéo dài 24 giờ đồng hồ. Trong khi đó, các tổ chức công đoàn đã tổ chức đình công trên toàn Sri Lanka để yêu cầu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và toàn bộ Chính phủ từ chức.
Wasantha Burelugoda, một lãnh đạo của phong trào sinh viên biểu tình nói: “Khi Chính phủ thất bại trong việc giải quyết các vấn đề mà người dân gặp phải, người dân đã phải xuống đường để yêu cầu Tổng thống Gotabaya, Thủ tướng Mahinda và toàn bộ Chính phủ từ chức. Nhưng thay vì từ chức, họ lại chỉ tiến hành một số thay đổi tại Quốc hội nhằm giữ quyền lực của mình”.
Chính phủ Sri Lanka hiện đang phải đối mặt làn sóng phản đối chưa từng có trên toàn quốc. Người dân nước này rất tức giận trước thành tích điều hành kinh tế yếu kém của chính quyền, để xảy ra khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi đảo quốc này giành được độc lập năm 1948. Tất cả các tổ chức công đoàn của ngành y tế, bưu chính, cảng biển và các dịch vụ khác thuộc chính phủ đã tham gia cuộc đình công. Tuy nhiên, một số nghiệp đoàn ủng hộ Chính phủ đã từ chối tham gia.
Sri Lanka hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có, bắt nguồn từ những yếu kém trong điều hành nền kinh tế trong quá khứ, kết hợp với những tác động kinh tế xã hội của đại dịch Covid-19. Đảo quốc Nam Á này lâm vào tình trạng cạn kiệt dự trữ ngoại tệ, do đó không còn tiền mặt để nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và các mặt hàng thiết yếu. Hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình trên khắp cả nước kể từ ngày 9/4. Trong những tuần qua, giá cả hàng hóa tại Sri Lanka đã tăng vọt và xảy ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhiên liệu, thuốc men và điện.
Bất chấp áp lực đang ngày càng gia tăng, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và người anh ruột Mahinda Rajapaksa - người hiện là Thủ tướng đều không chấp nhận các yêu cầu từ chức./.