Sri Lanka đang phải đối mặt với tình trạng mất điện kéo dài và khan hiếm lương thực, nhiên liệu và thuốc men y tế một cách trầm trọng. Điều này đã làm dấy lên các cuộc biểu tình rộng rãi trên khắp cả nước nhằm kêu gọi chính phủ từ chức.
Các bệnh viện đã phải hủy bỏ các ca phẫu thuật thông thường sau khi hết thuốc gây mê. Bộ trưởng Y tế Sri Lanka Channa Jayasumana cho biết, các mặt hàng như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc điều trị bệnh tim và tiểu đường đều sẽ tăng giá.
Đây là lần thứ hai Sri Lanka tăng giá dược phẩm trong vòng 6 tuần qua. Trước đó, giá thuốc tại quốc gia này đã tăng 30% vào thời điểm giữa tháng 3/2022. Theo các quan chức Bộ Y tế, đợt tăng giá thuốc này là cần thiết nhằm bù đắp tác động của việc tăng giá nhiên liệu, vốn đã tăng gấp đôi kể từ tháng 12/2021.
Theo các số liệu chính thức được công bố ngày 29/4, tỷ lệ lạm phát của Sri Lanka trong tháng 4/2022 là gần 30%, mức cao kỷ lục. Sri Lanka cũng đã cạn kiệt nguồn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu.
Trong khi đó, chính phủ Sri Lanka đã tuyên bố không còn khả năng thanh toán với khoản tiền 51 tỷ USD nợ nước ngoài. Chính phủ nước này kêu gọi công dân Sri Lanka ở nước ngoài quyên góp tiền để giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn về kinh tế. Cùng với đó, Sri Lanka cũng đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một gói cứu trợ khẩn cấp./.