Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm qua (23/10), thông báo dịch Ebola vẫn trong tình trạng báo động khẩn cấp trên toàn cầu khi cơ quan này ghi nhận dịch đã gây ảnh hưởng nặng nề hơn tại các quốc gia Tây Phi gồm Liberia, Sierra Leone và Guinea.

Sau phiên họp của Ủy ban khẩn cấp về Ebola, Tổ chức Y tế Thế giới ra tuyên bố cho biết: tình hình lây lan loại virus chết người này tại các quốc gia trên hiện vẫn là mối lo ngại lớn đối với toàn cầu.

ebola_euke.jpg 

Một bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện (Ảnh AP)

Mặc dù đã có một số tín hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch Ebola như thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng chống Ebola (Ebola VSV-ZEBOV) cho kết quả khả quan. Người bị lây nhiễm đầu tiên ngoài vùng châu Phi đã được chữa khỏi, không có ca lây nhiễm mới nào được ghi nhận tại Mỹ... song số liệu mới nhất do Tổ chức Y tế Thế giới công bố một ngày trước, cho thấy số người thiệt mạng do virus vẫn tăng mạnh, hiện đã lên tới 4.900 người trong tổng số 9.936 trường hợp nhiễm bệnh.

Tổ chức này cũng cảnh báo số người nhiễm có thể tăng lên 10.000 ca/tuần vào đầu tháng 12 tới, nếu cộng đồng quốc tế không có các biện pháp hiệu quả và kịp thời để dập dịch.

Trong một tuyên bố tại cuộc họp báo, người đứng đầu phái bộ Liên Hợp Quốc về ứng phó khẩn cấp với dịch Ebola (UNMEER), ông Anthony Banbury nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là việc huy động các nguồn lực trên phương diện quốc tế. Chúng ta cần rất nhiều nhân viên y tế, đặc biệt cần đội ngũ chuyên gia - những người có thể điều hành các cơ sở y tế và quản lý các cơ sở y tế này cũng như biết cách để bảo vệ các nhân viên y tế để họ không bị nhiễm bệnh. Việc quản lý các cơ sở y tế này đòi hỏi một kỹ năng đặc biệt và có vai trò rất quan trọng trong việc đối phó dịch Ebola”.

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Liberia hiện là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Ebola, với hơn 4.600 ca lây nhiễm, trong đó có hơn 2.700 ca đã tử vong./.