Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới ngày 22/10 đã tiến hành cuộc họp lần thứ ba để đánh giá tình hình dịch bệnh cũng như xem xét hiệu quả của các biện pháp kiểm soát lây nhiễm cho tới thời điểm này, bởi số người chết đã lên đến 4.877, tăng 322 ca so với số liệu công bố chỉ 5 ngày trước. 

Tại 3 nước ở tâm dịch là Liberia, Sierra và Guinea, số người tử vong do dịch Ebola vẫn tăng lên hàng ngày và chưa được kiểm soát. Tuy nhiên, công tác điều trị đã có nhiều tiến triển với sự góp mặt của một số thuốc do các hãng dược hàng đầu cung cấp. 

1400x931275_e1413727821298_dbct_uzue_xiyj.jpgMột bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện (Ảnh AP)

Tại cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới ở Geneva, Thụy Sỹ, 21 chuyên gia độc lập đã đánh giá hiệu quả của biện pháp soi chiếu thân nhiệt hành khách tại cửa khẩu, sân bay, qua đó cân nhắc có nên áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt về đi lại hay không.

Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo, Senegal chính thức chấm dứt dịch Ebola nhưng cảnh báo, nước này vẫn dễ xuất hiện ca mắc trở lại do virus từ bên ngoài xâm nhập. Đã 42 ngày trôi qua kể từ khi một người đàn ông Guinea đến Dakar (Thủ đô của Senegal) được xác nhận mắc Ebola nhưng chưa có ai trong số 74 người tiếp xúc với bệnh nhân này bị nhiễm dịch.

Bệnh nhân người Guinea này cũng đã phục hồi. Trước đó, các chuyên gia cảnh báo nếu dịch lây lan ở Senegal thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng cho cả khu vực vì Senegal là trung tâm thương mại của Tây Phi. Bộ trưởng Y tế Senegal Marie Coll Seck cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác chừng nào vẫn còn dù chỉ một bệnh nhân và chúng tôi sẽ duy trì các biện pháp phòng chống. Chúng tôi nằm ở khu vực tâm dịch và chưa thể nghĩ mọi việc đã được giải quyết mà vẫn phải tiến hành các biện pháp đề phòng”.

Tại Mỹ, một số bệnh nhân cũng đã bình phục. Tổng thống Mỹ Obama bày tỏ lạc quan một cách dè dặt về tình hình kiểm soát dịch Ebola tại Mỹ. Ông Obama cho biết: “Một loạt sự kiện đã khiến chúng tôi lạc quan hơn về tình hình dịch Ebola tại Mỹ. Trước tiên, chúng tôi thấy hàng chục người có tiếp xúc ban đầu với bệnh nhân Ducan, gồm gia đình và bạn bè. Một số người có tiếp xúc khá nhiều với bệnh nhân đã qua đời này nhưng nay hoàn toàn khỏe mạnh. Chúng tôi tin tưởng họ không mắc virus Ebola”.

Tổng thống Obama nhận định, cuộc chiến chống Ebola đã có những tiến triển dù còn khá khiêm tốn. Tổ chức Các Bác sỹ Không biên giới (cơ quan đi đầu trên chiến tuyến chống Ebola) cho biết, đã cho xuất viện bệnh nhân thứ 1.000 bình phục sau khi được điều trị tại các trung tâm y tế ở Tây Phi.

Giờ đây, người sống sót sau khi mắc virus Ebola đang trở thành một phần quan trọng của cuộc chiến cam go này. Từng bị cộng đồng xa lánh, kì thị, những người may mắn sống sót hiện đã được xem là một lực lượng có thể đóng góp lớn cho công tác nghiên cứu khoa học và bản thân họ giúp ích cho cộng đồng.

Giới khoa học đang tìm cách sử dụng chất kháng thể có trong máu của những người sống sót để điều trị cho những bệnh nhân mới. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, huyết thanh được sản xuất dựa trên chất kháng thể trong máu của người sống sót sau dịch Ebola có thể có mặt trên thị trường vào đầu tháng 12 tới.

Các hãng dược phẩm hàng đầu đang liên kết để đẩy mạnh việc bào chế vaccine và sản xuất hàng triệu liều thuốc được đánh giá là hiệu quả nhất để đưa vào sử dụng trong năm tới. Ngày 22/10, lô đầu tiên gồm 250 lọ vaccine thử nghiệm trong số 800 lọ mà Chính phủ Canada cam kết cung cấp đã đến Bệnh viện Đại học Geneva (Thụy Sỹ) để lưu giữ ở nhiệt độ âm 80 độ C, trước khi đưa đi tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 11.

Tổ chức Y tế thế giới hy vọng hàng chục nghìn người tại Tây Phi, trong đó có các nhân viên y tế trực tiếp cứu chữa bệnh nhân, có thể sẽ bắt đầu được dùng vaccine phòng ngừa Ebola từ tháng 1/2015 trong kế hoạch thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn. Trong khi đó, châu Âu dự kiến sẽ công bố khoản đóng góp 200 triệu euro để bào chế vaccine, thuốc và thiết bị chẩn đoán mới. Công ty Johnson & Johnson của Mỹ cho biết sẽ sản xuất ít nhất 1 triệu liều vaccine vào năm tới./.