Dịch Ebola đang tiếp tục hoành hành với tốc độ lây lan nhanh chóng tại khu vực Tây Phi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và giới chức y tế Mỹ đã đưa ra những cảnh báo hết sức nghiêm trọng về diễn biến của dịch bệnh này khi dự báo số người bị nhiễm virus chết người này có thể lên đến 1,4 triệu người vào đầu năm tới. Trong lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục nỗ lực giúp các nước vùng dịch kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

ebola_lessons_wwyd.jpegCác nhân viên WHO tiến hành các biện pháp phòng Ebola ở Tây Phi (Ảnh AP)

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phái bộ đặc biệt của Liên Hợp Quốc về dịch bệnh Ebola mới được thành lập, tính đến nay đã có gần 6.000 người bị nhiễm virus Ebola, và khoảng một nửa trong số đó đã bị tử vong.

Điều rất đáng lo ngại là dịch bệnh gây chết người này, hiện đang hoành hành chủ yếu tại vùng Tây Phi, có tốc độ lây nhiễm rất nhanh, thậm chí có tin nói nó có thể lây nhiễm qua đường không khí, đến mức số bệnh nhân luôn tăng gấp đôi sau mỗi ba tuần lễ.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng nếu không sớm được chặn lại, chỉ trong thời gian ngắn nữa - đến đầu tháng 11 tới, sẽ có không dưới 20.000 người bị nhiễm bệnh. Giới chức y tế Mỹ còn đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng hơn.

Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh liên bang Mỹ (CDC), với hơn 2.800 người đã bị tử vong và chiều hướng lây lan nhanh và diễn biến phức tạp hơn của dịch Ebola, đến tháng 1/2015 số lượng người tại các nước khu vực Tây Phi bị lây nhiễm virus chết người này có thể lên đến 1,4 triệu người.

Trong nỗ lực giúp Tây Phi ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh hiểm nghèo này, Liên Hợp Quốc kêu gọi nguồn hỗ trợ, đóng góp của các quốc gia.

Ngày 23/9, Ban Thư ký Liên Hợp Quốc cho biết nhóm chuyên gia đầu tiên của Phái bộ đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã tới thủ đô Accra của Ghana để tìm hiểu và đưa ra các biện pháp cần thiết giúp nước này chống chọi với dịch bệnh Ebola đang hoành hành tại đây và một số quốc gia lân cận ở vùng Tây Phi.

Cùng ngày, một nhóm chuyên gia khác của Liên Hợp Quốc cũng đã được điều tới Liberia để trợ giúp địa phương đương đầu với dịch bệnh gây chết người trên diện rộng này.

Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết, một nhóm gồm 165 chuyên gia y tế tại thủ đô La Habana đã hoàn thành một khóa huấn luyện đặc biệt để chuẩn bị được cử tới Sierra Leone, quốc gia có tới hơn 30 nhân viên y tế chết do nhiễm Ebola. Giám đốc Viện y học nhiệt đới Pedro Kouri, ông Jorge Perez nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “khử trùng” như một phương pháp ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh.

Ông Perez nói: “Virus lây truyền qua tiếp xúc giữa người với người thông qua nước mắt, máu, mồ hôi, nước tiểu, phân. Không có sự tiếp xúc cơ thể trực tiếp nào mà không bị lây nhiễm. Do đó điều quan trọng là mọi vật dụng cần được khử trùng bằng hypochlorite”.

Cùng chung nỗ lực của cộng đồng quốc tế, một số tổ chức nhân đạo của Đức đã cung cấp các vật liệu cần thiết để giúp xây dựng một trung tâm cách ly Ebola ở Liberia, nơi hơn 1.000 người đã tử vong do virus nguy hiểm này.

Điều phối viên của dự án trên, bà Mareike Iling cho biết: “Các nhân viên Liberia đang làm những công việc rất quan trọng, nhưng họ lại thiếu năng lực. Đó là lý do chúng tôi muốn giúp họ nâng cao năng lực nhằm chữa trị cho nhiều người hơn”.

Các chuyên gia dịch tễ học cảnh báo nếu không hành động mạnh tay ngay từ bây giờ, dịch Ebola sẽ ngày càng nghiêm trọng và sẽ khó kiểm soát hơn. Một khi các ca lây nhiễm bệnh tăng cao cũng đồng nghĩa với việc các bệnh viện và trung tâm y tế phải tăng số giường bệnh.

Do đó các nước có dịch sẽ phải tăng cường nỗ lực hơn nữa cùng với nhiều ngân sách phải chi hơn để kiểm soát dịch bệnh./.