Trong lúc dịch Ebola tiếp tục lan rộng và chưa thể kiểm soát tại các quốc gia Tây Phi, Tổng thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf đã gửi tới Tổng thống Mỹ Obama lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola, hiện là mối đe doạ lớn nhất với sự ổn định của quốc gia này.

Tổng thống Liberia nhấn mạnh, nếu không có sự hỗ trợ khẩn cấp và trực tiếp của Mỹ, quốc gia Tây Phi này sẽ thất bại trong cuộc chiến chống Ebola. Trong một bức thư gửi Tổng thống Mỹ, bà Ellen kêu gọi Mỹ xây dựng và điều hành ít nhất một cơ sở điều trị Ebola tại thủ đô Monrovia. Cho dù Chính phủ Liberia dự kiến mở trung tâm điều trị có sức chứa 100 giường bệnh và Tổ chức bác sĩ không biên giới (MSF) nâng cấp trung tâm điều trị tại Monrovia lên 400 giường. Tổng thống Ellen cho biết, hiện vẫn còn thiếu tới 1.000 giường bệnh tại thủ đô cũng như 10 trung tâm trên khắp cả nước. Hiện các trung tâm điều trị đều đã quá tải và buộc phải gửi trả các bệnh nhân về nhà. Wasinhton trước đó đã cam kết hỗ trợ khoảng 100 triệu USD cho cuộc chiến chống Ebola thông qua cung cấp các thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế, thực phẩm, nước sạch, thuốc men và thiết bị vệ sinh.

df30811c_079b_47f2_9755_5442e568954c_w640_s_bguw_nrqa_wxeh.jpg

Các nhân viên y tế đang tiến hành công tác phòng dịch Ebola (Ảnh AFP).

Đại sứ Mỹ tại Liberia, bà Deborah Malac cho biết: “Chúng tôi sẽ huấn luyện lực lượng cảnh sát Liberia và các lực lượng vũ trang để họ có thể hỗ trợ tốt nhất cho các hoạt động cách ly và đảm bảo an ninh gần khu vực bệnh viện và các trung tâm y tế cũng như các cơ sở điều trị. Chúng tôi cũng sẽ huấn luyện cảnh sát về cách tiếp cận cộng đồng cũng như cung cấp các thiết bị bảo hộ cá nhân bổ sung”.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng Nigeria vẫn đang theo dõi gần 400 người về những dấu hiệu của bệnh Ebola sau khi những người này có tiếp xúc với một bác sĩ ở thành phố Port Harcourt. Trước đó, bác sĩ này đã chết vì bệnh, nhưng trước đó lại che giấu việc mình bị phơi nhiễm. Nigeria hiện cũng đang tăng cường các ỗn lực nhằm ngăn chặn và kiểm soát sự bùng phát của virut Ebola với sự tham gia của hàng trăm nhân viên y tế và các tình nguyện viên.

Trong một động thái liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm qua tuyên bố không thể đáp ứng yêu cầu đưa một bác sĩ nhiễm bệnh Ebola tại Sierra Leone ra nước ngoài điều trị. Trước đó, Sierra Leone đã đề nghị Tổ chức y tế thế giới hỗ trợ tài chính để đưa bác sĩ này đến bệnh viện ở Hamburg, Đức. Đây là bác sĩ nhiễm Ebola đầu tiên của Sierra Leone được phép ra nước ngoài điều trị sau khi 3 bác sĩ nhiễm bệnh trước đó tại nước này đã tử vong. Tuy nhiên, Tổ chức y tế thế giới cho biết không thể đáp ứng yêu cầu đó mà sẽ chỉ cố gắng để có thể điều trị tốt nhất cho bác sĩ này, bao gồm cả việc sử dụng thuốc điều trị thử nghiệm./.