Các nhà nghiên cứu đều đồng quan điểm rằng con số thực sự của các ca mắc Covid-19 lớn hơn nhiều so với con số công bố chính thức trên toàn cầu hiện nay, đặc biệt là tại các quốc gia dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn như Trung Quốc, Italy và Mỹ.

Tại những quốc gia này, khả năng xét nghiệm hạn chế do số ca mắc bệnh quá nhiều và sự khó khăn trong việc tìm kiếm cũng như phát hiện các ca không có triệu chứng có thể khiến nhiều bệnh nhân không được chẩn đoán. Các xét nghiệm Covid-19 cũng có thể tạo ra những kết quả âm tính giả nếu không được tiến hành đúng cách hoặc các bệnh không không có đủ lượng virus để phát hiện trong các mẫu bệnh phẩm.

Con số thực cao hơn ít nhất 10 lần

Một số chuyên gia y tế cộng đồng nhận định tổng số ca mắc Covid-19 thực sự tại Trung Quốc, Italy và Mỹ có thể cao hơn ít nhất 10 lần các con số hiện tại.

"Không có ai thực sự biết. Có rất nhiều người mắc bệnh đã bị bỏ qua", Elizabeth Halloran, một nhà thống kê sinh học tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson và Đại học Washington khẳng định với Business Insider.

Chuyên gia Hallorran cho biết dựa trên các mô hình gần đây, con số thực các ca mắc Covid-19 tại bất cứ khu vực nào ở Mỹ đều có thể cao hơn từ 5 - 20 lần con số hiện tại. Tuy nhiên bà cũng lưu ý rằng bất cứ mô hình tính toán hoặc thống kê nào đều không thể tránh khỏi một vài sai số.

Neil Ferguson, một giáo sư về dịch tễ học tại Cao đẳng Hoàng gia London ước tính hồi tháng 2 rằng Trung Quốc chỉ xác định được khoảng 10% hoặc ít hơn các ca mắc Covid-19.

Tương tự vậy, người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy thì nhận định với tờ La Repubblica hồi tháng 3/2020 rằng tỷ lệ 1 người được xác nhận trong số 10 người mắc Covid-19 ở Italy là "đáng tin".

Trevor Bedford, một nhà dịch tễ học tại Fred Hutchinson thì ước tính cuối tuần trước rằng cứ 10 người hoặc 20 người mắc bệnh thì Mỹ chỉ xác nhận được 1 ca. Điều này tức là số ca mắc Covid-19 thực ở quốc gia này có thể lên tới 5 - 10 triệu người.

Một nghiên cứu hồi tháng 3/2020 trên tạp chí Science cho thấy dịch Covid-19 bùng phát ở Mỹ lớn hơn 5 - 10 lần con số được báo cáo.

"Rất nhiều mô hình sử dụng các phương pháp khác nhau đều cho ra những kết quả tương tự nhau", Halloran cho biết, song cũng thừa nhận rằng "vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn".

Các ca không triệu chứng

Một trong những trở ngại lớn nhất để xác định chính xác các ca mắc Covid-19 nằm ở thực tế rằng, có những người mắc bệnh có thể không có triệu chứng.

"Chúng ta không biết có bao nhiêu ca không triệu chứng. Những người này chúng tôi nghi ngờ rằng chính là nguồn lây nhiễm cho nhiều người khác trong cộng đồng", chuyên gia Halloran cho biết.

Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và Dị ứng quốc gia gần đây ước tính, khoảng 25 - 50% những người mắc Covid-19 không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm.

Một số tính toán khác thậm chí còn cao hơn. Một nghiên cứu trên 3.000 người ở Vo'Euganeo, một ngôi làng ở phía bắc Italy cho thấy, 50 - 70% các ca mắc Covid-19 là không có triệu chứng.

Trong khi đó, báo cáo hồi tháng 2/2020 từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các ca không có triệu chứng "tương đối hiếm" ở Trung Quốc nhưng sau đó, Ủy ban Y tế Quốc gia của nước này đã xác nhận 78% các ca mắc Covid-19 mới từ ngày 1/4 là không có triệu chứng.

Lỗi xét nghiệm và khả năng xét nghiệm hạn chế

Quốc gia nào càng tiến hành nhiều xét nghiệm thì càng tiệm cận hơn con số thực các ca mắc Covid-19. Tuy nhiên, nhiều quốc gia vẫn đang chật vật trong việc tiến hành đủ xét nghiệm cho các bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh. Tại Italy, quốc gia bằng 1/5 dân số Mỹ và ít hơn dân số Trung Quốc 23 lần cũng không đủ khả năng để xét nghiệm cho tất cả công dân.

Mặc dù từ ban đầu Italy đã xét nghiệm diện rộng bao gồm cả những người không có triệu chứng nhưng sau đó chính sách của quốc gia này thay đổi, chỉ xét nghiệm cho những người có triệu chứng nặng.

Trong khi đó ở thành phố New York, tâm chấn dịch Covid-19 ở Mỹ, các bệnh viện vẫn đang gặp hạn chế trong việc xét nghiệm cho các bệnh nhân có triệu chứng nghiêm trọng. Các bang với nhiều ca bệnh như tại California và Washington vẫn chưa thực hiện được đủ số xét nghiệm cần thiết.

Bên cạnh đó, việc xét nghiệm cũng có thể gặp những lỗi sai nhất định. Một nghiên cứu trên hơn 1.000 bệnh nhân được đưa tới bệnh viện ở Vũ Hán cho thấy 75% những người này có kết quả xét nghiệm âm tính có thể đã mắc Covid-19 dựa trên tấm chụp CT của họ.

"Có rất nhiều điều có thể tác động đến việc liệu xét nghiệm có thực sự phát hiện được virus hay không", Priya Sampathkumar - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mayo nhận định với AFP.

Cùng với đó, những hạn chế trong quá trình thống kê các ca mắc Covid-19 cũng khiến cho con số thực cao hơn số liệu chính thức hiện nay.

Chuyên gia Halloran cũng đánh giá rằng những xét nghiệm cho các bệnh nhân hiện nay "cần nhanh hơn, rẻ hơn, đáng tin hơn và có sẵn trên thị trường với số lượng lớn hơn".

Nhiều ca tử vong không được ghi nhận

Các chuyên gia y tế cộng đồng vẫn đang tranh luận về tổng số ca tử vong trong đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918 sau hơn 1 thế kỷ. Một số nhà nghiên cứu ước tính khoảng 20 triệu người đã tử vong trong khi số khác cho rằng con số này có thể lên đến 100 triệu.

Đối với dịch Covid-19, có thể lấy dẫn chứng từ thành phố New York, Mỹ khi từ ngày 4/3 - 4/4, thành phố này đã ghi nhận số ca tử vong hàng tháng cao gấp 2 lần. Trong số 5.330 ca tử vong trong tháng đó, chỉ có 3.350 trường hợp được xác nhận là tử vong do dịch Covid-19.

"Chúng ta sẽ không bao giờ biết liệu trong số khoảng 2.000 ca tử vong kia có ca nào là tử vong vì Covid-19 hay nguyên nhân nào khác hay không. Đây chỉ là báo cáo của 1 thành phố trong 1 tháng, nơi mà họ có lẽ đã phải trì hoãn 2 tuần trong việc báo cáo các ca tử vong. Có lẽ con số này còn lớn hơn nhiều", Halloran cho biết./.