Như đã dự đoán, Hoa Kỳ phản ứng mạnh mẽ với việc Nga cấp quy chế tị nạn tạm thời cho Edward Snowden. Thượng nghị sĩ New York Charles Schumer phản ứng gay gắt: "Với việc cung cấp giấy phép cư trú tạm thời cho Snowden, Nga đã thọc dao vào lưng Hoa Kỳ. Và hằng ngày, khi ông Snowden được phép tự do đi lại - là cú xoáy mới của con dao trong vết thương".

Bằng những lời lẽ hình tượng này, giới thượng lưu của Mỹ đã đưa chính họ và mối quan hệ Nga-Mỹ vào cái bẫy. Các chính trị gia Mỹ đã nhiều lần gọi Snowden là kẻ phản bội, đã gây sự sợ hãi của người dân Mỹ vì Snowden có thể tiết lộ các bí mật cho Nga. Kết quả là hiện nay vấn đề dẫn độ Snowden đã trở thành nỗi ám ảnh của Hoa Kỳ.

ty-nan.jpg
Snowden được phép cư trú tạm thời tại Nga (Ảnh Russia today)

Trong khi đó, cả Tổng thống Obama và Quốc hội Mỹ không muốn chấp nhận lập trường của Nga và các nước khác, nơi Snowden có thể tìm nơi trú ẩn. Làm thế nào có thể chuyển giao một người mà phần lớn mọi người dân trên trái đất coi là người hùng? Đặc biệt sau khi Bradley Manning, người cung cấp tài liệu cho "Wikileaks", bị kết án làm gián điệp? Binh sĩ Mỹ Manning đã tiết lộ thông tin quy mô nhỏ hơn so với cựu nhân viên cơ quan đặc nhiệm Snowden, mà đã bị kết án nhiều thập kỷ trong nhà tù.

Chi tiết này thu hút sự chú ý của chuyên viên Vladimir Dzhabarov, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga: “Từ quan điểm nhân đạo, điều đó là đúng. Nhân vật này sẽ đối mặt với sự trừng phạt nghiêm trọng ở Mỹ, kể cả án tử hình. Và trong trường hợp này, không một quốc gia văn minh trên thế giới lại chuyển giao người đó cho quốc gia mà anh ta phải đối mặt với án tử hình”.

Tại sao giới thượng lưu của Mỹ tức giận như vậy? Thực tế là, Snowden, có lẽ vô tình, đã đánh vào một trong những điểm yếu của giới thượng lưu Hoa Kỳ. Ban lãnh đạo Mỹ thích thể hiện mình như người bảo vệ những người bất đồng chính kiến. Nhưng, với một điều kiện - nếu những người này vạch trần (hoặc làm ra vẻ vạch trần) nước khác chứ không phải Mỹ.

Đáng chú ý là Tổng thống Obama và Quốc hội thừa nhận rằng, Snowden đã nói sự thật. Tuy nhiên, anh ta vẫn bị coi là kẻ phản bội, bởi vì đã nói sự thật cho những người nước ngoài chứ không phải cho các cơ quan "có thẩm quyền" của nước mình. Trong phát biểu trên đài Tiếng nói nước Nga, nghị sĩ từ bang Pennsylvania Scott Perry nói lên quan điểm này: “Người dân Mỹ có quyền được biết ai đang theo dõi mình và với mục đích nào, nhưng, tôi vẫn nghĩ rằng, Snowden là kẻ phản bội nhân dân nước mình. Ở Hoa Kỳ có thủ tục pháp lý để thông báo cho Quốc hội về những vi phạm mà Snowden đã mô tả. Nhưng, theo tôi biết, Snowden đã không cố gắng đi theo con đường này”.

Tổng thống Mỹ Obama rất khó chịu đựng sự sỉ nhục bị coi là kẻ đạo đức giả ba hoa về tự do ở các nước khác, nhưng, ở nước mình thì truy nã những người tìm kiếm sự thật. Vì vậy, mấy ngày vừa qua, tại Mỹ thảo luận thông tin về việc sẽ hủy bỏ cuộc gặp tháng 9 giữa Barack Obama và Tổng thống Nga Putin. Tờ "New York Times" và "Washington Post" dẫn ra ý kiến của các chuyên gia rằng, không phụ thuộc vào vụ Snowden, hai vị tổng thống chưa sẵn sàng đạt thỏa thuận về bất kỳ vấn đề lớn, kể cả cuộc nội chiến ở Syria, chương trình hạt nhân của Iran, vấn đề cắt giảm vũ khí của Mỹ và Nga./.