Hôm nay (10/10), các sinh viên Hong Kong tham gia biểu tình cho biết họ quyết tâm duy trì chiến dịch của họ đòi dân chủ đầy đủ, đồng thời khẳng định họ không lùi bước trước việc chính quyền thành phố bác bỏ các thương thuyết nhằm gỡ bỏ thế đối đầu căng thẳng giữa đôi bên khiến cho trung tâm tài chính này rung chuyển trong 2 tuần qua.

sinh_vien_bieu_tinh_hong_kong_eytf.jpgSinh viên Hong Kong (ảnh: AP)
Quyết định của chính quyền Hong Kong hủy các cuộc đàm phán với sinh viên (dự kiến vào ngày 10/10) được đưa ra trong bối cảnh giới lập pháp “dân chủ” của vùng lãnh thổ này yêu cầu cơ quan điều tra chống tham nhũng điều tra vụ chuyển 6,4 triệu USD cho đặc khu trưởng Lương Chấn Anh khi ông này tại nhiệm.

Thư ký trưởng đặc khu Hong Kong, Carrie Lam, cho hay các cuộc thương thuyết bị hủy bỏ là do các yêu sách không lay chuyển của giới sinh viên đòi phổ thông đầu phiếu. Theo bà này, các yêu sách đó không phù hợp với "tiểu hiến pháp" của đặc khu. Một lý do khác để hủy đàm phán là việc các sinh viên đã chiếm trái phép thành phố và kêu gọi người khác cùng biểu tình.

Vài trăm người biểu tình đã đóng trại tại trung tâm tài chính vào đầu ngày 10/10. Người ta cho rằng số lượng người tụ tập còn tăng lên nữa vào cuối tuần này để phản ứng lại thái độ của chính quyền.

Thà đau chốc lát

John Wong, một sinh viên đại học 18 tuổi, phát biểu tại điểm biểu tình ở quận Admiralty: “Đây là điều chúng tôi phải làm khi còn trẻ. Đây là quá trình chấp nhận đau đớn chốc lát để được hưởng lợi dài lâu”.

Trung Quốc quản lý Hong Kong – cựu thuộc địa của Anh – theo công thức “một nước, hai chế độ”. Theo đó, Hong Kong được hưởng quyền tự trị rộng rãi và nhiều quyền mà đại lục không có. Việc phổ thông đầu phiếu là một trong các mục tiêu phải đạt được.

Tuy nhiên ngày 31/8, Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã ban hành quyết định liên quan đến vấn đề bầu cử lựa chọn người đứng đầu Đặc khu hành chính Hong Kong vào năm 2017. Quyết định này theo các nhà hoạt động dân chủ, đã khiến cho hoạt động phổ thông đầu phiếu trở nên vô nghĩa.

Hình ảnh cảnh sát xịt hơi cay, các cuộc va chạm dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình cũng như các hỗn loạn xảy ra với hoạt động kinh doanh ở Hong Kong trong vòng 11 ngày qua đã cho thấy các thách thức mà chính quyền Bắc Kinh phải đối mặt tại Hong Kong.

Số lượng người biểu tình đã giảm xuống chỉ còn vài trăm người tại các nơi biểu tình nhưng các nhà hoạt động vẫn nỗ lực duy trì thế phong tỏa của họ đối với một số tuyến đường chính.

Vào hôm 10/10, các trạm “hậu cần” của phe biểu tình có vẻ đầy đủ những thứ như bánh bích quy, ngũ cốc và nước uống. Điều này cho thấy họ quyết tâm bám trụ đến khi nào chính quyền đáp lại các yêu sách của họ.

Trong khi đó, các nhà lập pháp có thái độ thân phe biểu tình đang gia tăng sức ép lên chính quyền.

Hôm 9/10 họ đe dọa phủ quyết một số quyết định của thành phố liên quan tới tài chính.

Sở Tư pháp Hong Kong hôm 9/10 đã giao cho các công tố viên nhiệm vụ điều tra vụ ông Lương nhận một khoản tiền lớn từ một công ty kỹ thuật Australia./.