Hôm 1/6, Đối thoại Shangri-la lần thứ 18 dành một phiên thảo luận với chủ đề “Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức”. Phiên thảo luận diễn ra trong bối cảnh tình hình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng bởi 2 cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường sự hiện diện tại những điểm nóng tại khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia. |
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Haji Mohamad Sabu, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia cho rằng trong gần một thập kỷ qua, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Điều này cũng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị, kinh tế và quân sự tại khu vực. Bởi cùng với kinh tế phát triển là một quá trình tăng chi tiêu quân sự. Hiện khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang đối mặt với thách thức về an ninh khi cả hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc tăng cường sự hiện diện tại đây và có những tuyên bố chống chéo về các điểm nóng chiến lược. Theo Bộ trưởng Sabu, hiện khu vực đứng trước 3 thách thức lớn sau:
Thứ nhất là sự cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Thực tế này khiến các nước nhỏ hơn lo ngại bởi sẽ buộc phải đứng về một phía, điều này gây bất bất lợi về mặt phát triển kinh tế và an ninh.
Thứ 2 đó là xung đột nội bộ của một nước khiến nước khác bị ảnh hưởng như làn sóng người Rohingya chạy sang các nước láng giềng tị nạn. Theo ông Sabu, đây không còn là vấn đề của riêng Myanmar mà là một thách thức nhân đạo đối với ASEAN nói chung. Sự bất ổn trong khu vực có thể khiến chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong khu vực trỗi dậy.
Thứ 3 là những thách thức an ninh phi truyền thống và các xu hướng mới nổi. Bạo lực hàng hải, khủng bố và an ninh mạng là những thách thức chính cần được giải quyết phù hợp. Vấn đề bạo lực hàng hải cần đòi hỏi một cách tiếp cận hợp tác hơn giữa các quốc gia. Sự cạnh tranh của các cường quốc làm gia tăng căng thẳng ở tại khu vực Biển Đông. Điều này làm gia tăng khả năng xung đột giữa các tàu hải quân và giữa các máy bay. Theo ông Sabu, Biển Đông nên vẫn là một khu vực hòa bình, hữu nghị và thương mại thay vì một cuộc đối đầu.
Về chiến lược quốc phòng của Malaysia, ông Sabu cho biết, nước này theo đuổi hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác nhằm đối mặt với các mối đe dọa chung. Theo ông Sabu, sự thịnh vượng của quốc gia được thiết lập dựa trên mối quan hệ thân thiện với các quốc gia khác và điều này ngày càng phổ biến trong hệ thống đa phương. Theo đó, các quốc gia nên nỗ lực tham gia hợp tác thay vì theo đuổi chủ nghĩa cô lập và hành động đơn phương.
“Chúng tôi sẽ không làm phức tạp trong các vấn đề toàn cầu và vì quan hệ quốc tế thân thiện Malaysia sẽ theo nguyên tắc tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ và không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác”.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh. |
Trong bài phát biểu phiên thảo luận Trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á và những thách thức, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Penny Mordaunt cho rằng thế giới hiện nay đang phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, từ an ninh tập thể đến tranh chấp thương mại, an ninh thực phẩm, các loại tội phạm có tổ chức, mối đe dọa từ các hoạt động độc hại trên mạng rồi đến mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực từ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi làm việc với các đối tác để củng cố và bảo vệ các quy tắc dựa trên trật tự và luật pháp quốc tế để đáp ứng những thách thức mà tất cả chúng ta phải đối mặt. Tầm nhìn của Anh là một khu vực thịnh vượng và ổn định, nơi tất cả đều vì lợi ích chung”.
Bà Mordaunt cho biết, để trở thành một đối tác toàn cầu đáng tin cậy, thì không thể tạm dừng các nhiệm vụ trên và Anh cam kết trở thành đối tác đáng tin cậy cho tất cả các nước.
Theo Bộ trưởng quốc phòng Anh, sự tham gia của Anh trong khu vực để hỗ trợ cho các giá trị cơ bản toàn cầu, dân chủ và tôn trọng các quy tắc dựa trên trật tự quốc tế.
Trả lời câu hỏi của phóng viên, bà Mordaunt cho biết, Anh sẽ sớm quyết định có sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng 5G hay không nhưng Anh sẽ không thỏa hiệp về an ninh của nước này với các đối tác quan trọng./.