Ngày 24/7, Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek tái khẳng định quan điểm của Séc phản đối đề xuất phân bổ người di cư được cứu ngoài khơi cho các nước thành viên Liên minh châu Âu và cho rằng đó không phải là giải pháp thực tiễn giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư.

pic_1537037457_fewo.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek. Ảnh: UrduPoint.

Đề xuất Liên minh châu Âu tiếp nhận các tàu chở người di cư bị mắc kẹt trên biển Địa Trung Hải và sau đó phân bổ lại số người này cho các nước thành viên được đưa ra tại Hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Ngoại giao và Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu tại Pháp đầu tuần qua. Đề xuất do Pháp và Đức khởi xướng nhận được sự đồng tình của 14 nước, trong khi nhiều nước khác bày tỏ sự thận trọng hoặc phản đối, trong đó có Séc.

Phát biểu với báo chí ngày 24/7, Bộ trưởng Nội vụ Séc Jan Hamacek khẳng định Séc không tán thành cách tiếp cận trên bởi theo ông nó không phải là giải pháp bền vững để giải quyết vấn đề người di cư tìm cách vượt biển vào châu Âu. Ông cho rằng cách tốt nhất vẫn là thiết lập các trung tâm sàng lọc người di cư bên ngoài châu Âu và các trung tâm như vậy nên đặt tại các nước Bắc Phi nơi có đông người dân rời bỏ nhà cửa ra đi lánh nạn tại châu Âu do chiến tranh và đói nghèo.

Tháng 6/2018, Liên minh châu Âu đưa ra ý tưởng xây dựng các trung tâm sàng lọc người di cư tại Bắc Phi nhằm ngăn chặn người dân mạo hiểm vượt biển Đại Trung Hải để cập bờ châu Âu. Vấn đề này lại được xới lên vào cuối tháng 5/2019, nhưng ông Hamacek thừa nhận việc hiện thực hóa ý tưởng này cũng không phải là dễ khi EU chưa thuyết phục được các đối tác Bắc Phi. Liên minh châu Phi phản đối kế hoạch này, cho rằng nó vi phạm luật pháp quốc tế khi thiết lập các trung tâm kiểu tạm giữ, vi phạm quyền cơ bản của người di cư.

Séc là một trong số các nước phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch người di cư của Liên minh châu Âu cho các nước thành viên khi cuộc khủng hoảng người di cư vào châu Âu lên tới đỉnh điểm vào cuối năm 2015. Séc cũng phản đối chính sách chia sẻ trách nhiệm khi được đề nghị tiếp nhận người di cư được cứu ngoài khơi biển Địa Trung Hải vào năm 2018, cho rằng chính sách như vậy chỉ khuyến khích người dân châu Phi bỏ nhà cửa ra đi và có lợi cho bọn buôn người./.