Tổ chức Năng lượng Quốc tế sáng nay (27/6) cho biết, số ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí sẽ tiếp tục tăng đến năm 2040 nếu thế giới không thay đổi cách thức sử dụng, sản xuất năng lượng.

o_nhiem_moi_truong_wmab.jpg
Trái Đất đang bị ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ảnh: environment.nationalgeographic.com.

Trên thế giới mỗi năm có khoảng 6,5 triệu ca tử vong do chất lượng không khí kém. Ô nhiễm không khí cũng được xem là mối đe dọa lớn thứ 4 đối với sức khỏe con người, chỉ sau huyết áp cao, thói quen ăn uống và hút thuốc lá.

Những chất gây ô nhiễm không khí như bụi siêu mịn, lưu huỳnh ôxít, ôxít nitơ được cho là ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Báo cáo đặc biệt của Tổ chức Năng lượng Quốc tế chỉ ra rằng, những chất ô nhiễm này phóng ra môi trường chủ yếu do việc sản xuất, sử dụng năng lượng chưa được kiểm soát tốt.

Nếu không có hành động, những ca tử vong sớm do ô nhiễm ngoài trời sẽ tăng lên 4,5 triệu người vào năm 2040 , gấp 1,5 lần so với hiện nay, trong đó châu Á chiếm gần 90%.

Theo các chuyên gia, các nước đang phát triển cần có chính sách năng lượng nhằm giúp không khí sạch hơn như thúc đẩy sử dụng bếp nấu ăn sạch, áp dụng tiêu chuẩn khí thải trong giao thông đường bộ, kiểm soát khí thải và sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp, sản xuất điện từ năng lượng sạch.

Những biện pháp này có thể đảm bảo lượng bụi siêu mịn giảm 7%, lưu huỳnh ôxit giảm 20% và ôxit nitơ giảm 10% vào năm 2040. Qua đó, số ca tử vong do ô nhiễm ngoài trời có thể sẽ giảm xuống 2,8 triệu và tử vong do ô nhiễm trong nhà giảm xuống 1,3 triệu vào năm 2040./.