Giới chức thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cuối tuần qua đã đóng cửa nhà máy cung cấp thực phẩm Husi Thượng Hải, thuộc Tập đoàn OSI của Mỹ vì đã bán thịt quá hạn sử dụng cho các nhà hàng lớn, trong đó có McDonald's và KFC tại Trung Quốc. 

Bê bối thực phẩm này cũng đã có ở Nhật Bản, khi chuỗi nhà hàng McDonald's tại Nhật Bản cho biết, nhà máy Husi cũng cung cấp khoảng 20% thịt cho các sản phẩm thịt gà tẩm bột chiên của nhà hàng.

mcdonalds_inek.jpgNhà hàng McDonald's (ảnh: mumbrella.com.au)

Cơ quan Dược phẩm và Thực phẩm Thượng Hải cho biết, giới chức thành phố đã đóng cửa nhà máy cung cấp thực phẩm Husi và tịch thu các sản phẩm bị nghi ngờ dùng thịt quá hạn sử dụng. Đài truyền hình Thượng Hải cho biết, công nhân tại nhà máy này đã trộn thịt hết hạn với thịt mới và cố tình lừa dối các thanh tra viên kiểm tra chất lượng.

Theo tờ nhật báo“ Thượng Hải” ngoài nhà hàng McDonald's và KFC, những khách hàng khác của nhà máy này có Burger King, Papa John's Pizza, chuỗi cửa hàng cà phê Starbuck và hãng Subway chuyên sản xuất bánh mì Sandwich. Quản lí chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's và KFC đã xin lỗi các khách hàng Trung Quốc sau bê bối này. Cảnh sát Trung Quốc ngày 23/7 cũng đã bắt giữ 5 người liên quan đến bê bối thực phẩm này.  

 Không dừng ở Trung Quốc, đại diện của chuỗi các cửa hàng bán đồ ăn nhanh McDonald's tại Nhật Bản cho biết, 1/5 sản phẩm gà tẩm bột chiên của nhà hàng do công ty Husi tại Trung Quốc cung cấp. McDonald's tại Nhật Bản đã xin lỗi khách hàng, ngừng bán loại sản phẩm này tại hơn 1.300 cửa hàng và cho biết đang tìm kiếm các nhà cung cấp thịt gà khác thay thế.

Người phát ngôn của chuỗi các cửa hàng tiện ích Nhật Bản Family Mart cũng cho biết, Family Mart bắt đầu một thỏa thuận cung cấp với nhà máy Husi vào tháng này, bán các sản phẩm “ gà chiên tỏi” tại 10.000 cửa hàng trên toàn Nhật Bản.

Một sản phẩm khác là “gà bao ngô” cũng bắt đầu được bán thử nghiệm chủ yếu tại Tokyo tuần này. Cả hai sản phẩm này đã bị dừng bán từ ngày 22/7. Công ty cho biết không nhận được phàn nàn nào của khách hàng về loại sản phẩm này.

Chủ tịch của chuỗi cửa hàng Family Mart Nhật Bản Isamu Nakayama cho biết: “Tôi lấy làm tiếc về sự cố này và lo ngại cho những khách hàng của chúng tôi. Chúng tôi không nghĩ có bất cứ vấn đề gì với tổ chức hoạt động của cửa hàng. Tuy nhiên thực tế là điều này đã xảy ra điều đó có nghĩa là cần phải có thêm các kiểm tra để giúp đảm bảo an toàn cho các khách hàng”.

Trước các thông tin về bê bối thực phẩm tại Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết: “Chúng tôi hiện đang hợp tác với Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc và Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản nhằm xác nhận những thông tin thực tế. Chúng tôi cũng đề nghị các công ty được cho là có vấn đề cần phải dừng việc nhập khẩu hàng hóa”./.