Reutersdẫn lời phóng viên ảnh Ini Samuel có mặt tại hiện trường cho biết: “Tại Bệnh viện Đại học Uyo nơi tôi đang có mặt, tôi thấy có khoảng hơn 100 thi thể. Các nhân chứng có mặt tại hiện trường khi xảy ra vụ tai nạn cũng cho biết những thi thể này được đựng trong nhiều chiếc túi khác nhau”.
Ông Etete Peters, Giám đốc Bệnh viện Đại học Uyo cho biết, có 21 thi thể được đưa đến bệnh viện của ông và có 2 người bị thương được đưa vào điều trị: “Các nạn nhân được đưa đến rất nhiều bệnh viện và nhà xác trên khắp thành phố Uyo. Chúng tôi không thể nói chính xác số người đã thiệt mạng. Bệnh viện của chúng tôi giờ không còn chỗ để tiếp nhận thêm các nạn nhân nữa”.
Trong khi đó, anh Gary Ubong, một nhân chứng cho biết, mái của nhà thờ đã đổ sập lên đầu những người đang tham gia buổi lễ cầu nguyện có sự tham gia của các quan chức chính quyền: “Tôi nhìn thấy hơn 100 thi thể được đưa lên xe chở đến các bệnh viện”, anh Ubong nói và cho biết: “Tôi cũng đến 2 bệnh việc khác nhau và thấy rất nhiều thi thể được đưa đến đó”.
Anh Akpan Eminem, một người dân tại thành phố Uyo cho biết, anh nhận được thông tin từ các nhân viên của một bệnh viện cho biết, ít nhất 79 người đã thiệt mạng trong vụ tai nạn nói trên.
Trong khi đó, người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia Nigeria Cordelia Nwawe cho biết, chỉ có 27 người thiệt mạng và 30 người bị thương trong vụ sập nhà thờ nói trên.
Hãng thông tấn NAN của Nigeria dẫn lời Cảnh sát trưởng Nigeria Murtala Mani cho biết “khoảng 60 trong tổng số 120 người cầu nguyện thiệt mạng trong vụ tai nạn nói trên”. Trong khi đó, theo Cơ quan Cứu nạn Khẩn cấp Nigeria NEMA, con số người thiệt mạng chỉ là 6 và có 115 người bị thương.
Thống đốc bang Akwa Ibom Udom Emmanuel, người may mắn không bị thương trong vụ sập nhà thờ nói trên đã ngay lập tức ra lệnh bắt giữ nhà thầu xây dựng công trình này.
Việc các công trình lớn đổ sập xuống thường xuyên xảy ra tại các quốc gia Tây Phi và giới chức các nước này thường đổ lỗi rằng các công trình này được xây dựng không phép và thường sử dụng các loại vật liệu rẻ tiền.
Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích giới chức Nigeria cố tình hạ thấp số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn hoặc đánh bom tự sát do nhóm phiến quân Boko Haram tiến hành.
Trước đó, trong một vụ nổ nhà máy khí đốt ở Nigeria năm 2015, văn phòng Tổng thống Nigeria tuyên bố “vài chục người” đã thiệt mạng trong khi các nhân chứng cho biết con số này lên đến vài trăm. Sau đó, cảnh sát Nigeria lên tiếng xác nhận số người thiệt mạng chỉ là 8./.