"Những ngày cuối cùng của quân Pháp tại Đông Dương là thảm kịch nặng nề và tủi hổ". Đó là nhận định của nhiều nhà phân tích và tác giả các cuốn sách viết về thất bại tại Điện Biên Phủ khiến Pháp phải rút khỏi Hà Nội và Việt Nam.

dai_ta_bonfils_pfrs.jpgĐại tá Jack Bonfils
Tuy nhiên, có một điều lạ là tâm lý "thù hận" không tồn tại trong suy nghĩ của nhiều cựu chiến binh Pháp khi ấy và cho đến cả bây giờ. Hơn thế, ý định một ngày nào đó sẽ quay lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ, quay trở lại Hà Nội và quay lại mảnh đất Việt Nam... đã có trong tâm trí họ.

Năm nay đã 92 tuổi, đại tá Jack Bonfils đôi lúc lẫn lộn khi kể lại những kỷ niệm chiến tranh hơn 60 năm trước, khi ông tham chiến trên đường 4, Cao Bằng. Nhưng riêng câu chuyện nghĩa tình của một người lính quân y Việt thì được ông kể rất rành rọt với từng chi tiết:

“Trên đường đi khi bị bắt làm tù binh, tôi bị thương và chân tôi bị hoại tử. May mắn khi đó tôi gặp một đoàn quân Việt Nam và một người lính quân y trong đoàn quân ấy đã quyết định phẫu thuật cho tôi ngay tại chỗ. Chỉ bằng một con dao cạo gắn vào một mảnh tre, ông ấy đã cắt bỏ những phần hoại tử rồi khâu lại chân cho tôi, vì thế, tôi đã được cứu sống và giờ tôi vẫn còn chân để đi. Người bác sỹ ấy nói tiếng Pháp rất tốt, ông đã từng được đào tạo bác sỹ tại Pháp nhưng quyết định tham gia quân đội Việt Minh để giành độc lập cho Tổ quốc Việt Nam. Chúng tôi đã trao đổi địa chỉ liên lạc và sau này đã vài lần viết thư cho nhau. Nhưng thật buồn ông đã chết trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chiến chống đế quốc Mỹ và tôi không bao giờ có cơ hội để trả ơn cho vị ân nhân ấy.”

Cảm động vì nghĩa cử cao đẹp của người lính quân y cùng những cử chỉ nhân đạo của quân và dân Việt Nam đối với ông trong suốt 21 tháng bị bắt làm tù binh, đồng thời muốn phần nào chuộc lại tội lỗi đã tham gia cuộc chiến phi nghĩa, Đại tá Bonfils đã tập hợp hàng trăm cựu chiến binh Điện Biên Phủ thành lập Hiệp hội quốc gia các cựu tù binh tại Việt Nam vào năm 1985 (ANAPI). Hiệp hội đã tổ chức những cuộc trở về cho các cựu chiến binh Điện Biên Phủ và quyên góp tiền xây dựng trường học, cầu đường tại những ngôi làng nghèo ở những nơi khi xưa từng là chiến trường ác liệt.

Ông Pierre Bonny
Khi tôi hỏi 'ông nghĩ gì vào thời điểm biết Pháp thất thủ tại Điện Biên Phủ', hạ sỹ Pierre Bonny cho biết, chính thời gian bị bắt làm tù binh, từ trại tù nhìn thấy quân và dân Việt Nam kiên trì và bất khuất chở vũ khí và lương thực trên những chiếc xe đạp lên những ngọn đồi, ông hiểu vì sao quân Pháp không thể chiến thắng.

Ông Pierre Bonny nói: “Tôi chỉ nghĩ rằng Việt Minh xứng đáng chiến thắng. Họ đã làm mọi điều để chiến thắng. Họ đặc biệt dũng cảm, đặc biệt kiên cường. Nhân dân Việt Nam đã thắng liên tiếp hai cuộc chiến tranh, trước người Pháp và người Mỹ, và họ đã thắng với những phương tiện chiến tranh khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu. Thế nên, yếu tố làm nên chiến thắng của họ chắc chắn phải là lòng dũng cảm, sức chịu đựng, sự quật cường. Và đây là một cuộc chiến của toàn bộ dân tộc Việt Nam, tất cả người dân đều góp phần chứ không chỉ riêng quân đội.”

Hiểu được cuộc đấu tranh chính nghĩa của quân và dân Việt Nam, ông Bonny càng bị thôi thúc bởi ý nghĩ phải quay trở lại.

Với Thượng úy Jacques Allaire- một người lính gắn cả cuộc đời binh nghiệp qua nhiều cuộc chiến mà quân Pháp tham chiến - những năm tháng làm tù binh khiến ông hổ thẹn tới mức từng nghĩ đến tự tử.

Ông Allaire
Nhưng ông lại không ngần ngại chia sẻ sự tôn trọng đối với những người bộ đội Việt Nam. Người thượng úy ấy khắc ghi câu nói sau này của chỉ huy của mình là tướng Bigeard tại Điện Biên Phủ, rằng: nếu là người Việt Nam, cũng sẽ trở thành Việt Minh để chiến đấu giành độc lập cho dân tộc.

Sau khi Việt Nam hòa bình và phát triển, ông Allaire nhiều lần đã quay lại Việt Nam cùng bạn bè và người thân.

Ra đi và hẹn ngày quay lại! Đó lại là suy nghĩ của nhiều binh lính Pháp vào thời điểm tủi hổ rút khỏi Hà Nội, Việt Nam...

Lý giải điều lạ này, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng chính sợi dây kết nối nhân văn giữa hai dân tộc Việt Nam và Pháp đã khiến những cựu thù có thể nhìn về phía bên kia với ánh mắt thiện chí./.

>> Xem thêm: Cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc Việt