Thái Lan đang đón tết cổ truyền dân tộc Songkran năm 2015 với 3 ngày lễ chính diễn ra từ 13-15/4. Tết cũng là lễ hội lớn nhất trong năm và người nước ngoài biết đến tết cổ truyền Thái Lan nhiều nhất qua các hoạt động được tổ chức ngoài trời.
Tết cổ truyền Thái Lan tính theo Phật lịch năm nay là năm 2558 với quy định chung ngày 15/4 là ngày đầu năm mới. Hai ngày 13/4 và 14/4 được coi là ngày kết thúc năm cũ và ngày chuyển giao năm cũ sang năm mới và các lễ hội được tổ chức kéo dài hàng chục ngày tại các tỉnh thành trên toàn quốc.
Trong những ngày này, người dân Thái Lan lên chùa cầu phật, mà điển hình là nghi lễ tắm phật xin phước lành hoặc đưa cát đến để xây các mô hình chùa nhỏ để cầu may hay thả cá, chim để phóng sinh cầu an.
Đây cũng là dịp để những thành viên gia đình được quây quần bên nhau, người già té nước cầu chúc những điều tốt lành cho con cháu và người trẻ đáp lễ té nước cung chúc những điều may mắn cho bố mẹ, ông bà... Người Thái Lan tin rằng, càng vẩy được nhiều nước trong dịp năm mới, họ càng gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc.
Songkran tiếng Thái Lan có nghĩa là bước vào năm mới, tức tết cổ truyền. Tuy nhiên ngày nay nhiều người biết đến Songkran với tên gọi tết Rot Nam tức là tết té nước bởi các hoạt động té nước trở thành một đặc trưng của ngày tết cổ truyền mà người ta có thể thấy được ở khắp nơi, nhất là trên các tuyến phố hay nơi tập trung đông người.
Có thể thấy, các hoạt động trong Songkran ở Thái Lan hiện nay vừa duy trì được nét đẹp của phong tục cổ truyền diễn ra tại các chùa chiền, vừa được quảng bá nhằm phục vụ khách du lịch với các hoạt động ngoài trời tổ chức tập trung tại các quảng trường.
Trong những ngày này, hàng nghìn ngôi chùa ở Thái Lan luôn là điểm đến của hàng chục triệu phật tử Thái Lan. Các nghi lễ về phật giáo tại đất nước coi đây là quốc đạo được thể hiện rõ nét nhất và tổ chức từ sáng sớm cho tới tối khuya.
Trong khi đó, tại các địa điểm công cộng hay trên đường phố, các lễ hội ca nhạc truyền thống dân tộc, lễ hội ẩm thực dân gian... thu hút không ít người tham gia, nhất là du khách nước ngoài. Té nước từ một hoạt động mang tính tâm linh với việc vẩy nhẹ nước ngâm hoa thơm lên đầu và vai nhằm cầu phước lành ngày nay còn được thấy qua các hoạt động té nước đa dạng hơn.
Trên các tuyến phố, người ta có thể huy động mọi dụng cụ để có thể té được nước như dùng gáo nước để té nước, dùng súng nhựa để bắn nước hay hơn nữa là bắc cả vòi nước sạch ra tận ven đường để phun vào nhau. Đối tượng được té nước lấy may mắn có thể là người bộ hành, người bán hàng rong hay cả những chiếc ô tô.
Dưới cái nóng hầm hập của mùa hè Thái Lan, tất cả đều sũng nước trên các con ngõ, tuyến phố trong dịp này. Nam phụ lão ấu tất thẩy với nụ cười vui vẻ, hả hê khi được vui đùa với nước.
Tại tỉnh Phara Nakhon Si Ayutthaya, cách Bangkok gần 80 km về phía Bắc, năm nay chính quyền tỉnh huy động hàng chục thớt voi tham gia lễ hội té nước và phục vụ du khách cưỡi voi chơi tết, tạo nét đặc trưng Songkran của tỉnh và tăng doanh thu cho ngành du lịch tỉnh.
Songkran được coi là dịp để Thái Lan quảng bá, xây dựng hình ảnh du lịch thêm phần danh tiếng của mình. Đây cũng là dịp thu hút hàng triệu khách nước ngoài đến Thái Lan, hòa mình vào nước và trời đất, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đô la Mỹ cho xứ sở chùa vàng. Đây cũng là dịp ngành du lịch Thái Lan đang cố gắng tìm lại ánh hào quang khi thiết quân luật vừa được dỡ bỏ sau cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra hồi năm ngoái./.
Một số hình ảnh Tết té nước ở Thái Lan: