Ngày 5/11, các nhà điều tra Indonesia khi kiểm tra dữ liệu hộp đen đã phát hiện chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air gặp lỗi kỹ thuật nghiêm trọng trong vụ tai nạn làm 189 người chết. Thông báo này khiến người thân của những nạn nhân trong vụ tai nạn nổi giận bởi máy bay đã được phép hoạt động khi đã gặp lỗi trong các chuyến bay trước đó.
Các thợ lặn tìm kiếm hộp đen. (ẢNh: AFP) |
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Soerjanto Tjahjono, người đứng đầu Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (KNKT) của Indonesia cho biết, các nhà điều tra đã xác định được lỗi kỹ thuật nghiêm trọng liên quan đến thiết bị chỉ báo tốc độ của chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn. Dù mới chỉ được đưa vào hoạt động hơn 2 tháng với số giờ bay chưa đến 800 giờ nhưng trong 4 chuyến bay cuối cùng, thiết bị đo tốc độ của phi cơ đã không hoạt động chính xác.
“Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia đang phối hợp với Uỷ ban an toàn giao thông Mỹ kiểm tra chi tiết về chỉ số tốc độ bay từ bốn chuyến bay cuối cùng. Chúng tôi sẽ thông tin chi tiết sau khi có kết quả” - ông Soerjanto Tjahjono cho biết.
Tuy nhiên, một quan chức khác của Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Indonesia cho rằng, còn quá sớm để kết luận nguyên nhân tai nạn, cũng như vai trò của hỏng hóc đồng hồ tốc độ trong sự cố này.
Ngay sau khi có thông tin lỗi thiết bị chỉ báo tốc độ của máy bay, người thân của các nạn nhân đã yêu cầu giới chức nước này giải thích tại sao chuyến bay JT-610 được cho phép bay trong khi đã gặp lỗi trong chuyến bay trước đó.
Ông Muhammad Bambang Sukandar, cha của một hành khách trên chuyến bay yêu cầu đội ngũ kỹ thuật của Hãng hàng không Lion Air phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu họ tắc trách trong công tác bảo dưỡng máy bay.
“Đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người” - ông Muhammad Bambang Sukandar nói. “Đừng để những chuyện như vậy cứ xảy ra tại Indonesia. Cần phải tiến hành theo trình tự của pháp luật và những người liên quan cần phải chịu trách nhiệm”.Boeing có dữ liệu độc quyền về máy bay Lion Air bị rơi?
Ngoài ra, người thân của những nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay cũng kêu gọi không dừng chiến dịch tìm kiếm. Đáp lại yêu cầu, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia, ông Muhammad Syaugi đã đã cam kết sẽ tiếp tục công tác tìm kiếm.
“Tôi đồng ý tiếp tục công tác tìm kiếm. Hy vọng vẫn có thể tìm thấy thêm thi thể những người gặp nạn mặc dù vụ tai nạn đã xảy ra gần 10 ngày, miễn là vẫn còn có cơ hội” - ông Muhammad Syaugi nói.
Hiện phía Indonesia đã gửi thông báo đến Boeing và chính quyền Mỹ, yêu cầu kiểm tra toàn bộ phi đội Boeing 737 MAX 8 đang được sử dụng trên khắp thế giới nhằm ngăn chặn những vấn đề tương tự. Tuy nhiên, phía Mỹ đang có những phản ứng thận trọng với đề nghị từ phía Indonesia.
Trong tuyên bố chính thức, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ cho biết, họ đang làm việc với các bên liên quan, trong đó có Boeing để làm sáng tỏ vấn đề. Hiện tại, các chuyên gia Mỹ cũng đang tham gia vào công tác điều tra vụ tai nạn máy bay Hãng hàng không Lai-ần với nhà chức trách Indonesia.
Hiện tại, bên cạnh hộp đen lưu trữ dữ liệu chuyến bay, các nhà điều tra cũng đang nỗ lực tìm kiếm hộp đen ghi âm buồng lái trước khi đưa ra kết luận về nguyên nhân dẫn đến sự cố thảm khốc chỉ 13 phút sau khi cất cánh.
Hộp đen thứ hai của máy bay được cho là nằm cách khu vực tìm kiếm chính khoảng 50m và ở độ sâu 30m. Tuy nhiên, các dòng hải lưu và bùn đất dày hơn 1m dưới đáy biển đang cản trở việc tìm kiếm.
Thiết bị ghi âm thanh trong buồng lái có thể cung cấp những thông tin quan trọng để làm sáng tỏ những gì đã xảy ra vào những khoảnh khắc cuối cùng của chuyến bay. Đặc biệt, thiết bị này cũng giúp giải thích vì sao phi hành đoàn lại yêu cầu máy bay được quay trở lại vào thời khắc trước khi bị rơi./.