Chìm xuống dưới nước ở độ sâu bằng độ cao của chiếc tháp cao nhất nước Anh mới chỉ tương đương 7% độ sâu của đáy Ấn Độ Dương (4.500m), nơi người ta cho rằng các hộp đen của chuyến bay MH370 đang nằm.

do%20tim%20may%20bay%20mh370%20o%20day%20bien.jpg
Một phi công được hạ xuống nước từ một chiếc trực thăng trong cuộc tìm kiếm phi cơ mất tích MH370 (ảnh: EPA)

Ngay cả ở độ nông 300m, mọi thứ đã tối đen. Độ sâu nhất mà thợ lặn có thể lặn được bằng thiết bị bảo hộ là hơn gấp đôi mức đó một chút. Và cũng chỉ có một lượng ít ỏi tàu ngầm có người lái là lặn được sâu hơn một nửa độ sâu của đại dương đang được sục sạo này.

Thủ tướng Australia, Tony Abott, hôm 11/4 có phát biểu rằng các đội hải quân dẫn đầu cuộc tìm kiếm quốc tế tự tin họ đã biết vị trí của hộp đen. Nhưng Angus Houston, người điều phối cuộc tìm kiếm, đã ra một thông cáo khẳng định chưa có đột phá lớn nào. Một tín hiệu mà không quân Australia dò được vào hôm 10/4 đã bị loại trừ là tín hiệu ping thứ 5, điều này làm giảm các hy vọng cho rằng các hộp đen của chiếc Boeing mất tích vẫn đang phát tín hiệu ngoài cả giới hạn 30 ngày hoạt động của pin.

Trung tâm điều phối hỗn hợp cho biết người ta vẫn đang tìm kiếm chiếc máy bay trên cả một khu vực rộng tới 46.713km2.

Khi tín hiệu phát ra từ thiết bị định vị nằm sâu dưới nước không còn, thì việc tìm kiếm sẽ khó khăn hơn nhưng không phải là bất khả thi. Các hộp đen của chuyến bay Air France 447 đã được tìm thấy 2 năm sau khi các tín hiệu ngừng phát. Nhưng mỗi tín hiệu ping nếu có đều sẽ giúp các đội tìm kiếm dùng phương pháp tam giác để thu hẹp nhanh chóng khu vực có thiết bị.

Giai đoạn tiếp theo, theo Giáo sư Ian Wright, Giám đốc khoa học và công nghệ tại Trung tâm Hải dương học Quốc gia Anh, sẽ là vẽ thô đáy biển bằng thiết bị định vị âm đặt trên tàu biển. Việc này sẽ cung cấp một bản đồ cơ sở cho các robot dưới nước.

Trước kia các thiết bị hoạt động dưới nước đã phát hiện ra xác chiếc máy bay Pháp 447 ở độ sâu 3.900m. Đáy đại dương được khảo sát hiện nay sâu hơn Đại Tây Dương tới 600m, nên sức ép của nước tương đương với một người phải mang tới 50 chiếc máy bay phản lực. Đây là giới hạn của robot Bluefin-21, một thiết bị màu vàng hình quả ngư lôi dài 5,3m có khả năng tạo ra bản đồ phân giải cao của đáy biển thông qua sóng âm.

Mặc dù các nhà sản xuất tự tin robot trên có thể hoạt động trong điều kiện khắc nghiệt, thì ông William O'Halloran cho biết “để tiến hành khảo sát và tìm kiếm trong thế giới đại dương ngầm, mọi thứ sẽ di chuyển không được nhanh lắm, khoảng 3 hải lý trong 1 tiếng đồng hồ”. Với tốc độ đó, Bluefin sẽ mất 6 năm để vẽ được bản đồ khu vực tìm kiếm.

Tuy nhiên bù lại, đáy Ấn Độ Dương lại tương đối bằng phẳng so với Đại Tây Dương nơi tìm thấy xác chiếc máy bay AF447. Ông Wright cho biết “đáy Đại Tây Dương tại khu vực có máy bay chìm là vùng rất mới và có khó khăn lớn trong việc chụp ảnh xác máy bay bằng hệ thống sóng âm do địa hình phức tạp và thiếu lớp trầm tích”.

Trong cuộc tìm kiếm hiện tại, các hệ thống phản hồi âm sẽ hiệu quả hơn nhiều trong việc dò tìm bất cứ thứ gì bất thường và tạo ra hình ảnh phân giải cao.

Thiết bị ROV là một chiếc xe ngầm dưới nước điều khiển từ xa có khả năng chụp ảnh, quét dò, và nhặt những thứ nằm trên đáy biển. Chiếc xe được buộc với một con tàu bằng một dây cáp dài 8.000m có vai trò không chỉ giữ chiếc xe mà còn cung cấp điện cho nó và chứa các sợi quang học truyền mệnh lệnh và tiếp nhận dữ liệu.

Thiết bị Remora, có khả năng hoạt động ở độ sâu 6.000m, được sử dụng trong việc trục vớt chiếc AF447 và các máy bay bị tai nạn khác, cũng như để tham dò tàu Titanic. Hai cánh tay thủy lực của thiết bị có thể buộc các mảnh vỡ vào một cái tời hoặc đặt chúng vào một cái giỏ mẫu, lý tưởng là bao gồm cả một máy ghi dữ liệu chuyến bay và thiết bị ghi giọng nói trong buồng lái.

Trong lúc robot phụ trách công việc trên đáy đại dương, công việc trên bề mặt biển vẫn sẽ vất vả. “Giống như là khảo sát trên vũ trụ vậy, bạn có hàng tấn thiết bị và cần một đội gồm 6-8 người chuyên điều khiển ROV”./.