Trước động thái CHDCND Triều Tiên hôm 23/1 tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh quân sự và đẩy mạnh phát triển chương trình hạt nhân của mình ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ra thêm lệnh trừng phạt mới đối với nước này, nhiều nước đã kêu gọi các bên kiềm chế và có giải pháp giải quyết căng thẳng bán đảo Triều Tiên.

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi giải quyết một cách toàn diện những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

trieu-tien.jpg
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Tại cuộc gặp ông Kim Moo-sung, Đặc phái viên của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun-hye đang ở thăm Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên phù hợp với những lợi ích cơ bản của cả Trung Quốc và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại và tham vấn hướng tới phi hạn nhân hóa bán đảo Triều Tiên và sự ổn định lâu dài của khu vực. Ông Park Geun-hye cũng nêu rõ, Trung Quốc mong muốn sớm nối lại đàm phán sáu bên về phi hạt nhân hóa.

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lên tiếng kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, tránh làm leo thang căng thẳng, nhằm duy trì hòa bình và ổn định tại Bán đảo Triều Tiên.

"Chúng tôi hy vọng tất cả các bên sẽ cùng hướng tới hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, bình tĩnh và kiềm chế nhằm tránh những hành động làm leo thang căng thẳng. Vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên cũng như nghi ngờ về một vụ thử nghiệm hạt nhân nhấn mạnh tính khẩn cấp và tầm quan trọng của việc giải quyết các vấn đề có liên quan trên bán đảo Triều Tiên”- ông Hồng Lỗi nói.

Còn Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moscow hoàn toàn toàn ủng hộ lập trường của Hội đồng Bảo an LHQ đối với hoạt động phóng tên lửa và thử hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Sergei Lavrov nói:“Chúng tôi cũng giống như các thành viên khác của Hội đồng Bảo an LHQ có cùng chung quan điểm đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Các vụ phóng tên lửa cũng như thử hạt nhân của Triều Tiên trước đây đã bị Hội đồng Bảo an LHQ cấm. Do vậy, chúng tôi hy vọng, Triều Tiên sẽ lắng nghe tiếng nói của Cộng đồng quốc tế và trở lại  đàm phán 6 bên. Nhưng trên hết nước này cần phải tuân thủ theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”.

Cùng ngày, Đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Glyn Davies đang ở Seoul (Hàn Quốc) kêu gọi Triều Tiên "không có thêm bất cứ hành động khiêu khích nào", đồng thời để ngỏ khả năng về một cuộc đối thoại hòa bình.

Ông Glyn Davies nói: "Nếu Bình Nhưỡng có thiện chí giải quyết vấn đề thông qua con đường ngoại giao, thì họ sẽ thấy các bên liên quan luôn sẵn sàng hợp tác".

Trong khi đó, Hàn Quốc cho biết rất "lấy làm tiếc" trước tuyên bố tăng cường răn đe hạt nhân của Triều Tiên, động thái nhằm công khai thách thức các lệnh trừng phạt mở rộng của LHQ.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Park Soo-Jin nói: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc về tuyên bố của Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng ngừng đưa ra những đe dọa mang tính khiêu khích và cần nỗ lực phi hạt nhân hóa thông qua các hành động cụ thể".

Tuyên bố của các nước trên được đưa ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an LHQ trước đó đã nhất trí thông qua nghị quyết mở rộng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên liên quan tới vụ phóng tên lửa mang vệ tinh hồi tháng 12/2012. Bình Nhưỡng lập tức phản ứng bằng tuyên bố sẽ có "những hành động cụ thể" nhằm tăng cường khả năng răn đe hạt nhân.

Trước đó, hôm 12/12, bất chấp mọi sức ép và nỗ lực ngăn cản của quốc tế cũng như LHQ, CHDCND Triều Tiên đã tiến hành một vụ phóng tên lửa tầm xa Unha-3 mà nước này khẳng định là để đưa một vệ tinh quan sát trái đất lên quỹ đạo. Tuy nhiên, LHQ và cộng đồng quốc tế lại nghi ngờ vụ phóng vệ tinh chỉ là vỏ bọc của một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa mang theo đầu đạn hạt nhân./.