Ngày 21/1, Trung Quốc tuyên bố, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cần thông qua một giải pháp thận trọng đối với vấn đề CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa vào tháng 12/2012, nhằm tránh cho tình hình khu vực không bị gia tăng căng thẳng. Trong khi đó, nguồn tin ngoại giao Liên Hợp Quốc cho biết, Ngoại trưởng Mỹ, Hillary Clinton và người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì, đã đạt được một thỏa thuận quan trọng về vấn đề này. Đây được xem là động thái mới của Trung Quốc đối với CHDCND Triều Tiên.

vu%20phong%20o%20trieu%20tien.jpg
Vụ phóng tên lửa mang vệ tinh của CHDCND  Triều Tiên. (ảnh: CSMonitor)
Trung Quốc đang xem xét bản nghị quyết do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đề xuất và dự kiến sẽ gửi tới 15 nước ủy viên hội đồng. Nghị quyết này có thể được thông qua trong tuần này.

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc, ông Vitaly Churkin xác nhận thông tin này và nhận định dự thảo nghị quyết sớm được thông qua trước ngày 27/1 tới. Theo đó, dự thảo Nghị quyết sẽ không đưa ra biện pháp trừng phạt mới, mà chỉ kêu gọi mở rộng các biện pháp cấm vận hiện nay của Liên Hợp Quốc đối với Triều Tiên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi hôm 21/1 kêu gọi: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ phóng trong bối cảnh cộng đồng quốc tế có nhiều e ngại về hành động này. Chúng tôi cũng tin rằng bất kỳ phản ứng nào của Hội đồng Bảo an LHQ cần phải thận trọng, thích hợp và có lợi cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên, đồng thời ngăn chặn tình hình căng thẳng gia tăng”.

Trong ngày 21/1, Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Kim Min Seok, khẳng định: CHDCND Triều Tiên có thể đã tự sản xuất phần lớn các thiết bị lắp ráp cho tên lửa được phóng vừa qua. Chúng tôi cũng cho rằng họ đã sử dụng một số sản phẩm thương mại nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù bị hạn chế bởi lệnh cấm vận quốc tế, nhưng CHDCND Triều Tiên vẫn đang tăng cường việc hoàn thiện công nghệ tên lửa tầm xa.

Thông tin này cũng được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, gián tiếp xác nhận, khi phát biểu tại Italy hôm 17/1 vừa qua rằng "không ai biết liệu một ngày nào đó tên lửa của Triều Tiên có thể bắn tới đâu". Tuy nhiên, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc ngay sau đó tuyên bố, phát biểu của ông Panetta không có ý ám chỉ tới việc tên lửa của Triều Tiên có thể vươn tầm tới lãnh thổ Mỹ.

Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên khẳng định vụ phóng vừa qua là một vụ phóng vệ tinh mang mục tiêu dân sự, không phục vụ cho các hoạt động quân sự.

Tiến sĩ Yuri Karash, chuyên gia phân tích tên lửa và chương trình không gian của đài BBC, Russia Today, nhận định: Điều có thể là vụ phóng này có thể mang theo một đầu đạn bắn tới một khu vực nào đó trên thế giới. Tuy nhiên, tôi tin rằng đây là vụ phóng vệ tinh, mang mục đích dân sự.

Dẫu vậy, vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vẫn bị xem là hành động làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh: Hàn Quốc không ngừng hối thúc Liên Hợp Quốc đẩy nhanh các biện pháp trừng phạt mới với Bình Nhưỡng; Trung Quốc và Mỹ đều muốn có một Nghị quyết về vấn đề này được thông qua, trước khi Hàn Quốc giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an vào tháng 2 tới.

Trước sức ép đòi gia tăng các biện pháp trừng phạt mới ngày một lớn từ phía Mỹ cũng như đồng minh, Triều Tiên đã gửi một bức thư tới Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng, chính sách tăng cường trọng tâm quân sự và ngoại giao của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự.

Ngày 25/2 tới, nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, Park Geun Hye sẽ chính thức nhậm chức, cùng một lời cam kết về "xây dựng lòng tin" và hàn gắn mối quan hệ vốn đang sứt mẻ với nước láng giềng Triều Tiên. Động thái này được cho là nỗ lực lớn của nữ nguyên thủ Hàn Quốc đầu tiên. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra tại khu vực thì  dư luận quốc tế không khỏi thận trọng, trước triển vọng quan hệ liên Triều trong năm 2013./.