Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu hôm qua tuyên bố không tiếp nhận người di tản từ Afghanistan trong bối cảnh xuất hiện những lo ngại về dòng người tháo chạy khỏi Afghanistan sau khi lực lượng Taliban kiểm soát đất nước. 

“Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm đạo đức và nhân đạo liên quan đến người di cư. Chúng tôi không thể gánh vác thêm trách nhiệm nặng nề mới”, ông Cavusoglu nhấn mạnh.

Khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không phải là “trại tị nạn của châu Âu”, Ankara đã phải triển khai các biện pháp tăng cường  biên giới nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ Afghanistan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cảnh báo châu Âu và các nước khu vực về những tác động của dòng người sơ tán tại Afghanistan, đồng thời kêu gọi tránh lặp lại nguy cơ tái diễn cuộc khủng hoảng tị nạn Syria.

Cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra khi Liên Hợp Quốc đang chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất với khoảng 500.000 người sơ tán Afghanistan đổ sang các nước như Iran, Pakistan và các nước Trung Á trong 4 tháng tới.

Phó Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) Kelly Clements nhấn mạnh: “Cơ quan Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã làm việc với người Afghanistan trong hơn 40 năm qua và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ. Chúng tôi đang chuẩn bị kịch bản xấu nhất cho cuộc khủng hoảng tị nạn mới trong khu vực. Hiện lượng người sơ tán tại Afghanistan chưa tăng mạnh nhưng những diễn biến có thể nhanh khiến chúng ta không ngờ tới”.

Không chỉ các nước láng giềng Afghanistan, những nước châu Âu cũng đang lo ngại về nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng di cư năm 2015 khi gần 1 triệu người sơ tán khỏi Syria và nghèo đói ở Trung Đông, tới Hi Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ trước khi Bắc tiến sang các quốc gia châu Âu giàu có khác. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đang có chuyến thăm các quốc gia khu vực, với cam kết sẽ hỗ trợ cho các nước láng giềng của Afghanistan.

Để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tị nạn cũng như sớm ổn định tình hình Afghanistan, nhiều quốc gia gợi ý khả năng thương lượng với Taliban một cách linh hoạt  dựa trên quan điểm thực tế nhưng cũng phải cứng rắn, trong đó không loại trừ các biện pháp trừng phạt.  Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, các ngoại trưởng của một số nước "đối tác then chốt" hôm nay họp trực tuyến để thảo luận các bước đi tiếp theo tại Afghanistan. Những người tham dự sẽ thảo luận về "một cách tiếp cận phù hợp cho những ngày và tuần tới".

Trong bối cảnh hạn chót sơ tán người nước ngoài ra khỏi Afghanistan đang đến gần, Taliban đã đảm bảo với khoảng 100 nước rằng sẽ tiếp tục cho phép người nước ngoài và các công dân Afghanistan có giấy tờ hợp lệ do nước khác cấp, được phép rời khỏi nước này "an toàn và trật tự", ngay cả sau thời hạn chót để Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi nước này vào ngày 31/8. Tuy nhiên, Taliban bác bỏ ý tưởng thiết lập một "vùng an toàn" do Liên Hợp Quốc kiểm soát ở thủ đô Kabul, cho rằng việc này là không cần thiết./.