Cộng đồng quốc tế hướng các nỗ lực vào các hoạt động hỗ trợ nhân đạo tại Syria, đặc biệt là ở các điểm nóng về bạo lực như thành phố Homs.

tin-sirri.jpg
Tưởng niệm các nạn nhân bị chết trong các vụ đánh bom ngày 18/3 (Ảnh: Tân Hoa xã)
Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc tìm giải pháp tháo gỡ bế tắc cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Syria, bạo lực tại nước này vẫn tiếp diễn trong những ngày gần đây.

Các chuyên gia thuộc Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (có trụ sở tại Anh) cho biết, ít nhất 19 người, trong đó có 4 trẻ em, thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa lực lượng chính quyền với các tay súng chống đối ngày 18/3.

Còn ở thủ đô Damasus, hàng trăm người tụ tập tưởng niệm các nạn nhân trong vụ đánh bom kép ngày 17/3 làm ít nhất 27 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.

Trong lúc này, các tổ chức quốc tế và các nước liên quan đang nỗ lực thúc đẩy việc triển khai các hoạt động nhân đạo tại Syria. Trợ lý Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, Atta al-Mannan Bakhit ngày 18/3 cho biết, các chuyên gia kỹ thuật của LHQ và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo đang ở Syria để tham gia sứ mệnh đánh giá tình hình nhân đạo tại đây sau hơn 1 năm bạo lực.

Phái bộ chung giữa LHQ - Tổ chức hợp tác Hồi giáo đang có mặt tại Syria để xem xét nhu cầu viện trợ nhân đạo, trong một sứ mệnh do Chính phủ Syria đứng đầu.

Trong lúc này, cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Syria. Theo các hãng truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, các biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng Syria có thể được quyết định vào ngày 2/4 tới ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc họp lần thứ hai của nhóm "Những người bạn của Syria".

Cuộc họp đầu tiên đã được tổ chức ngày 24/2 tại Tunisia không có sự tham dự của Nga và Trung Quốc.

Báo "Aksam" của Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin ngoại giao cho biết, cuộc họp ở Istanbul dự kiến thông qua một loạt biện pháp để giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại Syria.

Theo báo "Aksam", một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất tại cuộc họp sắp tới là khả năng tiến hành hoạt động quân sự chống Syria. Thổ Nhĩ Kỳ luôn phản đối can thiệp quân sự, cho rằng, hành động này là quá sớm.

Nga, Trung Quốc và một số nước trong khu vực như Oman bày tỏ lập trường phản đối sự can thiệp quân sự vào Syria. Ngoại trưởng Oman Abdulah cho rằng, Liên đoàn Arab cần nỗ lực tham gia giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria thông qua các cuộc đối thoại mang tính xây dựng và không có bất kỳ sự can thiệp quân sự nào, giống như những gì đã diễn ra tại Libya.

Phía Nga cũng bày tỏ ủng hộ các quyết định của nhân dân Syria đối với lãnh đạo nước này; đồng thời thúc giục các bên ngừng bắn và tiến hành đối thoại chính trị nhằm nhanh chóng chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria.

Ngoài ra, Nga cũng kêu gọi Chính phủ Syria và các lực lượng đối lập ủng hộ các nỗ lực tìm kiếm hòa bình của cựu Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan, Ðặc phái viên chung của LHQ và AL./.