Anh, Pháp và Đức vừa đưa ra tuyên bố chung ngày 16/1 cho rằng căng thẳng đang leo thang ở khu vực vùng Vịnh và Ấn Độ Dương khi Iran phóng tên lửa đạn đạo rơi gần tàu sân bay Nimitz của Mỹ ngày 16/1 và bắt đầu sản xuất uranium. Động thái này làm dấy lên lo ngại quốc tế và có thể gây ra những tác động quân sự nguy hiểm.
Trước đó, Iran xác nhận đang thúc đẩy sản xuất uranium làm nhiên liệu cho lò phản ứng nghiên cứu Tehran. Các nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc về thông báo này vì cho rằng đây là một bước để phát triển vũ khí hạt nhân và cảnh báo rằng việc sản xuất uranium có thể gây ra những hậu quả nguy hiểm. London, Paris và Berlin đặc biệt kêu gọi Iran ngừng hoạt động này và quay trở lại tôn trọng các nghĩa vụ theo Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung. Tuy nhiên, Iran tuyên bố chỉ trở lại các nghĩa vụ nhanh chóng trong trường hợp các bên khác quay trở lại đầy đủ nghĩa vụ của mình.
Trong một diễn biến khác, Iran vừa thực hiện các cuộc diễn tập quy mô lớn ở Ấn Độ Dương và tuyên bố thành công trong việc tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 1.800 km bằng tên lửa đạn đạo. Iran tuyên bố một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong các chính sách và chiến lược quốc phòng là nhắm mục tiêu vào tàu địch bao gồm cả tàu sân bay và tàu chiến, sử dụng tên lửa đạn đạo tầm xa. Tuy nhiên, các quan chức quân sự Iran tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này không có ý định phát động bất kỳ cuộc tấn công nào nhưng sẽ đáp trả mạnh mẽ và trong thời gian ngắn nhất đối với bất cuộc tấn công nào.
Iran vừa thực hiện các cuộc diễn tập quân sự trên biển bằng tàu chiến và trên không bằng máy bay không người lái mang theo tên lửa đạn đạo thế hệ mới. Quân đội Iran khẳng định rằng các tên lửa được trang bị đầu đạn và có thể dẫn đường, có khả năng xuyên thủng hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Các cuộc diễn tập tên lửa là đợt huấn luyện quân sự thứ ba của quân đội Iran trong vòng chưa đầy hai tuần qua.
Những động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Iran với Mỹ trong những ngày cuối cùng nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Mối quan giữa hai bên đã gia tăng căng thẳng trong thời Tổng thống Donald Trump và đã tới bờ vực đối đầu quân sự trực tiếp hai lần kể từ mùa hè năm 2019, đặc biệt là sau vụ Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani bị sát hại ở Baghdad vào đầu năm 2020.
Vào năm 2015, Iran đã ký kết một thỏa thuận với 6 cường quốc (Mỹ, Pháp, Anh, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân. Theo đó các cường quốc tế tìm cách đảm bảo tính hòa bình của chương trình hạt nhân và Iran sẽ không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách giảm mức độ làm giàu uranium. Đổi lại, các bên dỡ bỏ nhiều lệnh trừng phạt kinh tế áp đặt với Iran. Tuy nhiên, vào năm 2018, Tổng thống Donald Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran./.