Các máy bay chiến đấu của Syria và Nga hôm qua (4/9) tiến hành không kích vào nhiều vị trí ở tỉnh Idlib, sào huyệt cuối cùng của quân nổi dậy ở Tây Bắc Syria.

photo1532853337408_15328533374081506975532_gnoq.jpg
Quân đội Chính phủ Syria. Ảnh: Interfax.

Giữa lúc đồn đoán ngày càng tăng về khả năng quân đội Syria sẽ tiến hành chiến dịch quy mô lớn nhằm giải phóng Idlib, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 7/9, cùng thời điểm với một cuộc họp Thượng đỉnh giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Những cuộc họp này được kỳ vọng sẽ giúp tránh nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại Syria.

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley hôm qua  (4/9) khẳng định, phần lớn các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều ủng hộ một cuộc họp như thế. Bà một lần nữa nhắc lại những cảnh báo mới đây của Tổng thống Donald Trump về khả năng quân đội Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học. Theo Đại sứ Nikki Haley, nếu tình huống này xảy ra, Mỹ, Pháp và Anh sẽ sử dụng sức mạnh quân sự để đáp trả như từng làm hồi tháng 4/2018:

“Người dân tại Syria đã phải đối mặt với nhiều thảm kịch và nếu chính phủ Syria muốn tiếp tục kế hoạch kiểm soát lãnh thổ, họ có thể làm điều đó. Tuy nhiên họ không thể làm điều đó với việc sử dụng vũ khí hóa học. Họ không thể thực hiện một cuộc tấn công gây nhiều thương vong cho dân thường và Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra”

Cùng ngày, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiến hành họp khẩn qua điện thoại trước Hội nghị cấp cao với Iran vào ngày 7/9 nhằm tránh nguy cơ một cuộc chiến đổ máu tại Idlib.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi và hi vọng tránh được một trận chiến tại Idlib. Với lập trường vững chắc này, chúng tôi yêu cầu có thêm thời gian đàm phán, đặc biệt là giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước có liên quan chính. Theo tôi, đây là chìa khóa cho một giải pháp mềm tại Idlib.”

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian kêu gọi các bên liên quan thống nhất một giải pháp. Theo ông, điều quan trọng hiện nay là mọi con đường phải dẫn tới đàm phán, chứ không phải là đối đầu. Nếu không, tất cả sẽ đi tới một tình huống thảm họa, đặc biệt là đối với dân thường.

Trước những cảnh báo của phương Tây, Phủ Tổng thống Nga hôm qua (4/9) một lần nữa khẳng định, tỉnh Idlib, vùng lãnh thổ hiện do phe nổi dậy kiểm soát tại Syria đang trở thành “một ổ khủng bố mới” và nếu không nhanh chóng dập tắt, mọi chuyện sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Theo Người phát ngôn Phủ Tổng thống Nga Dmitry Peskov, nếu chỉ đưa ra vài lời cảnh báo, mà không tính đến nguy cơ rất nguy hiểm và tiêu cực đối với toàn bộ tình hình ở Syria, có lẽ là một sự tiếp cận không đầy đủ và không toàn diện. Ông đồng thời đánh giá sự hiện diện các phiến quân tại Idlib đang phá hủy tiến trình hòa bình Syria.          

Cần phải nhấn mạnh, tỉnh Idlib hiện có khoảng 2,9 triệu dân, nhưng hàng chục nghìn người trong đó là các tay súng nổi dậy. Trong khi đó, tại đây, ước tính cũng có tới 10.000 tay súng thánh chiến thuộc nhóm Mặt trận Al Nusra trước đây, một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Queda tại Syria. 

Bùng phát năm 2011, cuộc xung đột tại Syria đang ngày càng trở nên phức tạp với sự can dự của nước ngoài và sự trỗi dậy của các nhóm thánh chiến cực đoan. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, cuộc khủng hoảng này đã không còn là của riêng của người Syria nữa, mà đã trở thành chiến trường cho các nước đối địch trong khu vực “tính toán” lẫn nhau.

Như một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy tính phức tạp của cuộc khủng hoảng, cũng trong ngày 4/9, các máy bay chiến đấu của Israel đã trút tên lửa xuống nhiều vị trí quân sự của Iran tại miền Tây Syria. Đây không phải là lần đầu tiên quân đội Israel tiến hành những vụ tấn công như thế này. Thực tế là trong hơn 1 năm qua, Israel đã thực hiện khoảng 200 cuộc không kích nhằm vào quốc gia láng giềng, chủ yếu là các vị trí của quân đội Iran, mà nước này luôn coi là “kẻ thù”./.