Tại Hội nghị tài trợ quốc tế dành cho Mali ở Thủ đô Addis Ababa của Ethiopia ngày 29/1, các lãnh đạo châu Phi và quan chức quốc tế đã cam kết dành 455,5 triệu USD cho chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi các tay súng Hồi giáo ở miền Bắc Mali, và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này. Trong số này, Nhật Bản đóng góp hơn 120 triệu USD.
Thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Matsuyama cho biết, cuộc chiến chống khủng bố ở vùng Sahel châu Phi, đặc biệt tại miền bắc Mali cần được tăng cường. Cộng đông quốc tế cần hỗ trợ tích cực cho các nỗ lực của các nước châu Phi ở Mali. Do đó, chính phủ Nhật Bản đang xem xét hỗ trợ thêm, ngoài 120 triệu USD như đã cam kết để giúp đỡ người tỵ nạn, người phải đi sơ tán cũng như để đẩy mạnh lĩnh vực an ninh ở Mali và vùng Sahel.
Mỹ đóng góp 96 triệu USD. Các nước châu Phi như Ethiopia, Cote D'Ivoire, Gambia cũng cam kết đóng góp tài chính cho Mali. Liên minh châu Âu cam kết 50 triệu euro. Đức hứa viện trợ 20 triệu USD và một máy bay thứ ba tới giúp vận chuyển các binh sỹ châu Phi.
Tuy nhiên, các cam kết này vẫn chưa đạt tới con số 960 triệu USD mà Liên minh châu Phi (AU) cho là cần thiết đối với Mali, bao gồm 460 triệu USD cho Phái bộ hỗ trợ quốc tế do châu Phi đứng đầu ở Mali (AFISMA) trong một năm và 356 triệu USD cho quân đội Mali.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống Cote D'Ivoire - Alassane Ouattara, Chủ tịch Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) cho rằng, điều quan trọng là cần nhanh chóng giải ngân khoản tiền đã cam kết, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng trong năm nay, Mali sẽ có đủ khoản tiền cần thiết.
Chính việc thiếu tiền và nguồn lực hậu cần đã ảnh hưởng tới khả năng Phái bộ quốc tế hỗ trợ quân đội Mali chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan. Vì vậy mà chỉ 2.000 binh lính châu Phi được cử tới Mali hoặc nước Nigiê láng giềng, trong khi Pháp đã điều được khoảng 2.500 binh sĩ tới đây./.