Hỗ trợ nhiều hơn cho châu Phi và Mỹ Latin, dành nguồn ngân sách lớn hơn cho công nghệ và củng cố ngân hàng phát triển của Mỹ là những sáng kiến được đề xuất hôm 21/4 trong một dự luật bước ngoặt nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc.

"Những vấn đề mà chúng ta đối mặt ngày nay trong chính sách đối ngoại và có lẽ trong thế kỷ 21 sẽ là Trung Quốc, Trung Quốc và Trung Quốc", Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bang Idaho Jim Risch thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định khi nhắc tới Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược 2021.

"Tôi không hề nói quá về tầm quan trọng của dự luật này", thượng nghị sĩ này đánh giá.

Dự luật trên, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ lưỡng đảng, đại diện cho nỗ lực của Quốc hội Mỹ nhằm tăng cường các công cụ cần thiết của Mỹ để đối phó với Trung Quốc và thúc đẩy các khả năng của Washington giữa bối cảnh 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới gia tăng đối đầu như những "đối thủ cạnh tranh chiến lược".

"Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chiến lược không phải vì đó là điều chúng tôi muốn hay cố gắng tạo ra mà là bởi những lựa chọn mà Bắc Kinh đang đưa ra", Robert Menedez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện nhận định.

"Ngày nay, Trung Quốc đang thách thức Mỹ và cộng đồng quốc tế trên mọi lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, công nghệ, quân sự và thậm chí văn hóa với một mô hình thay thế gây lo ngại sâu sắc cho sự quản trị toàn cầu".

Dự luật trên dự kiến sẽ được đưa ra Thượng viện để tranh luận và bỏ phiếu. Mặc dù còn cần một số bước trước khi có hiệu lực nhưng phiên điều trần của Thượng viện đã nhấn mạnh sự ủng hộ với những tham vọng rộng khắp của dự luật này. Ông Risch dự đoán, dự luật trên có thể nhận được 80/100 phiếu ở Thượng viện - một mức độ ủng hộ đáng kể trong thời kỳ lưỡng đảng Mỹ chia rẽ sâu sắc.

Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào tháng 5/2020 cho thấy cứ 10 người Mỹ thì có 9 người coi Trung Quốc là đối thủ hoặc kẻ thù, thay vì là một đối tác.

Dự luật trên cũng sẽ gia tăng các lệnh trừng phạt mới với các quan chức Trung Quốc, liên quan đến vấn đề Hong Kong và Tân Cương, đồng thời cố gắng hạn chế các chiến dịch quân sự và những yêu sách của Trung Quốc trong và ngoài Biển Đông.

Một sửa đổi bổ sung nữa được đề xuất trong dự luật của Thượng viện Mỹ là tăng ngân sách để khiến Mỹ cạnh tranh hơn trong nỗ lực đối phó với Trung Quốc ở các ngành công nghệ chủ chốt.

Đây chỉ là một trong nhiều nỗ lực và đề xuất của Mỹ nhằm tạo ra chuỗi cung ứng ít phụ thuộc hơn vào Trung Quốc, thúc đẩy năng lực sản xuất chất bán dẫn của Mỹ và dành nhiều ngân sách nghiên cứu hơn cho khoa học và công nghệ.

"Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là bắt đầu tự đầu tư cho chính mình", Thượng nghị sĩ bang Delaware Chris Coons, một đồng minh thân cận của Tổng thống Biden cho hay. Tuy nhiên, ông Coons cũng cảnh báo về nguồn ngân sách hạn chế của liên bang và từng bang giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Một đề xuất mới nữa là thúc đẩy quy mô của Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ để cạnh tranh với Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, cơ quan đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành Đai và Con đường của Bắc Kinh. Tuy nhiên, ngân hàng phát triển của Trung Quốc có quy mô gấp 10 lần Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ trong khi các khoản cho vay nợ của Bắc Kinh với các nước đang phát triển là 462 tỷ USD từ 2008 - 2019, lớn hơn nhiều so với Mỹ.

"Các doanh nghiệp Mỹ cần nhiều công cụ hơn để đối phó với Trung Quốc. Mỹ đang bị bỏ lại phía sau", Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang New Jersey Cory Booker cho hay./.