Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đang đứng trước những bước ngoặt lớn khi Quốc hội lập hiến, thể chế vừa được thành lập tại Venezuela chính thức thông báo việc tiếp quản các quyền hạn của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát, đồng thời đề xuất phe đối lập cùng thành lập ủy ban liên lạc nhằm tạo điều kiện cho cuộc đối thoại hòa giải giữa hai bên.

quoc_hoi_lap_hien_venezuela_spdu.jpg
Chủ tịch Quốc hội lập hiến Delcy Rodriguez. (Ảnh: Reuters)

Trong phiên họp ngày 18/8, Quốc hội lập hiến Venezuela đã phê chuẩn sắc lệnh cho phép cơ quan này “tiếp quản các chức năng lập pháp về các vấn đề liên quan trực tiếp đến việc đảm bảo hòa bình, an ninh, chủ quyền và các hệ thống kinh tế xã hội, tài chính, cũng như các tài sản nhà nước và duy trì các quyền của Venezuela”.

Trên thực tế, quyết định này không tạo ra sự thay đổi lớn trên chính trường Venezuela, bởi Tòa án tối cao nước này trước đó đã ra phán quyết thu hồi quyền hạn của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và xem xét lại gần như toàn bộ các luật mà cơ quan này thông qua kể từ khi được bầu lên vào năm 2015.

Cũng trong ngày 18/8, Chủ tịch Quốc hội lập hiến Delcy Rodriguez đã đề xuất với người đứng đầu Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Jilio Borges thành lập ủy ban liên lạc nhằm tạo điều kiện cho cuộc đối thoại cùng tồn tại  và hòa hợp giữa hai bên. Hiện phe đối lập tại Venezuela vẫn chưa đưa ra phản ứng nào trước đề xuất này.

Trước đó, hôm 17/08, bà Delcy Rodriguez  cũng đã triệu tập nhóm thủ lĩnh phe đa số tại Quốc hội đến dự phiên họp của Quốc hội lập hiến mới thành lập. Việc triệu tập các nghị sĩ nắm giữ vai trò thủ lĩnh và toàn bộ thành viên của lực lượng đối lập cánh hữu đến tòa nhà Quốc hội có thể xem là một động thái của chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro nhằm thúc đẩy việc giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị trong thời gian qua.

“Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ sự bóp méo hay tung tin sai lệch nào nữa nhằm vào nhà nước pháp quyền của Venezuela”, Chủ tịch Hội đồng lập hiến Venezuela Delcy Rodriguez nhấn mạnh. “Quốc hội lập hiến sẽ làm tốt trách nhiệm của mình nhằm khôi phục trật tự trong nước, mang lại sự ổn định và phục vụ lợi ích cho toàn thể người dân Venezuela”.

Quốc hội lập hiến, với 545 thành viên đã chính thức ra mắt tại trụ sở Quốc hội ở thủ đô Caracas hôm 3/8 vừa qua, với trọng trách sửa đổi bản Hiến pháp năm 1999. Tổng thống Maduro coi Quốc hội lập hiến là giải pháp duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại đất nước, với các cuộc biểu tình diễn ra trong suốt 4 tháng qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 125 người.

Có thể nói, cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela đang đứng trước những bước ngoặt lớn, nhất là sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về một “lựa chọn quân sự dành cho nước này”.

Lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Venezuela thông báo kế hoạch thành lập Quốc hội lập hiến hồi đầu năm nay, các quan chức cấp cao dân sự và quân sự tại nước này đạt được một sự đồng lòng như hiện nay nhằm chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

Tuy nhiên theo các nhà phân tích, điều này chỉ mang tính ngắn hạn. Ngay cả phe đối lập, vốn lâu nay bị Tổng thống Maduro cáo buộc “là những con rối” của Mỹ cũng bác bỏ bất kỳ giải pháp quân sự nào từ phía cường quốc số 1 thế giới. Không chỉ tại Venezuela, mà các nước Mỹ Latinh cũng chia sẻ quan điểm này.

Các nhà phân tích cho rằng, đây có thể xem là thời điểm thích hợp nhất để thúc đẩy các nỗ lực hòa giải tại Venezuela vì sự ổn định của đất nước./.