Đệ xuất này nhằm mở đường cho một cuộc trưng cầu ý dân trong năm nay nhằm xây dựng một Chính phủ ổn định hơn.

italy_ovty.jpg
Quang cảnh Quốc hội Italy. Ảnh AP

Dự luật cải cách Hiến pháp Italy được thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo tại Hạ viện, 361 phiếu thuận và 7 phiếu chống. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau rất nhiều lần sửa đổi nội dung một số điều của dự luật, và cũng là lần bỏ phiếu cuối cùng. Để trở thành luật, còn cần một cuộc trưng cầu ý dân dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Những cải cách này sẽ sẽ thay đổi kết cấu của Quốc hội Italy, tăng thêm quyền cho Hạ viện, giảm quyền của Thượng viện. Thay vì nắm quyền lực tương đương với Hạ viện như hiện nay, khi dự luật cải cách Hiến pháp trở thành luật, Thượng viện sẽ không phải là một cơ quan được bầu ra nữa và cũng không còn quyền phủ quyết.

Dự luật này cũng gắn chặt với một cải cách lớn khác của Thủ tướng Renzi, đó là việc đưa ra một hệ thống bỏ phiếu mới gồm 2 vòng để bầu ra Hạ viện. Tất cả những cải cách này sẽ giúp Chính phủ Italy có thể tồn tại hết nhiệm kỳ 5 năm, điều chưa từng xảy ra kể từ sau Thế chiến thứ 2.

Thủ tướng Renzi tin rằng, những cải cách mà ông đưa ra sẽ tăng cường tính ổn định chính trị và tránh tình trạng bất phân thắng bại trong các cuộc bầu cử như hồi năm 2013.

Những bế tắc chính trị mất nhiều thời gian dàn xếp đã cản trở quá trình khôi phục nền kinh tế ngập trong nợ nần của Italy. Thủ tướng Renzi từng tuyên bố sẽ từ chức nếu kết quả cuộc trưng cầu ý dân cuối năm nay đi ngược lại mong muốn cải cách Chính phủ của ông.

Trong khi đó, những người không ủng hộ thay đổi này cho rằng, cải cách Hiến pháp mà Thủ tướng Renzi thúc đẩy làm mất đi sự cân bằng thể chế vốn có từ sau chiến tranh để ngăn chặn sự trỗi dậy của những nhà độc tài như Benito Mussolini./.