Đó là nhận định của các học giả quốc tế tham dự diễn đàn “Đối thoại Biển” lần thứ 7 với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”, khai mạc chiều nay (19/8) theo hình thức trực tuyến. Đây là hoạt động thường niên do Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội đồng phối hợp tổ chức, nhằm thúc đẩy các sáng kiên đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển.
Phần lớn các ý kiến trong 2 phiên thảo luận “Mực nước biển dâng và các tác động pháp lý tiềm ẩn” và “Quyền tự do và an toàn hàng hải trong luật quốc tế” tại cuộc đối thoại Biển lần thứ 7 đều nhấn mạnh những nguy cơ đặt ra đối sự ổn định và phát triển đối với các vùng biển trên thế giới hiện nay, trong đó có Biển Đông.
TS Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, Viện trưởng Viện Biển Đông nêu rõ: “Có rất nhiều điều khoản đã đề cập đến tự do hàng hải trên các vùng biển khác nhau, như các vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng hải phận quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với những nguyên tắc trên, các quốc gia sẽ có cách hiểu và cách áp dụng khác nhau. Tự do hàng hải có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - thương mại, hòa bình, an ninh, thịnh vượng của khu vực và cũng là nền tảng để duy trì trật tự an ninh trên biển. Chúng tôi hi vọng rằng sự đồng thuận rộng rãi về cách hiểu và ứng dụng các quy định trong Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982 sẽ tạo cơ sở vững chắc cho các hoạt động và hợp tác hàng hải trong khu vực và hơn thế nữa”.
Tại phiên thảo luận “Mực nước biển dâng và các tác động pháp lý tiềm ẩn”, GS Clive Shofield, Trưởng nhóm Nghiên cứu Viện Nghiên cứu Biển toàn cầu WMU-Sasakawa nhấn mạnh, từ góc độ pháp lý, vấn đề mực nước biển dâng có thể tác động đến các đường cơ sở, phân định ranh giới và thực hiện các quyền trên biển của các quốc gia ven biển.
Còn tại phiên thảo luận “Quyền tự do và an toàn hàng hải trong luật quốc tế”, GS Robert Beckman, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore đã phân tích những điểm vô lý trong cái gọi là quyền tài phán mà Trung Quốc đưa ra trong cái gọi là Đường Lưỡi bò 9 đoạn trên Biển Đông; đồng thời cho rằng việc tôn trọng và tuân thủ Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982 phải được coi là yếu tố tiên quyết để kiềm chế các tham vọng trên biển.
Chia sẻ quan điểm này, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Marcus Winsley nhấn mạnh, Vương quốc Anh đặt tầm nhìn đến năm 2030, tất cả các vùng biển đều sẽ được quản lý hiệu quả, trong sạch, an toàn, đảm bảo đa dạng sinh học, an ninh, an toàn, thịnh vượng. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, việc thực thi Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982 phải là nỗ lực chung của tất cả các nước.
“Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982 đặt ra khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý các hoạt động trên biển, bao gồm tất cả các hoạt động thương mại, đem lại lợi ích cho toàn thế giới. Do đó, tất cả chúng ta đều phải tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS 1982. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục làm việc, đối thoại với các quốc gia, khi việc hiểu và thực hiện UNCLOS của họ có điểm khác biệt với chúng tôi. Để bảo vệ hệ thống luật pháp mà LHQ đề ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh quyền và tự do hàng hải trong khuôn khổ của Công ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982”, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, Marcus Winsley cho hay./.