Nga và Ukraine nói gì về nguy cơ xung đột?
Nga phủ nhận việc đe dọa bất kỳ nước nào và khẳng định Moscow có quyền tự do triển khai lực lượng trong lãnh thổ của mình. Nga cáo buộc Ukraine và NATO đang làm gia tăng căng thẳng và cho rằng Kiev có lẽ đang chuẩn bị giành lại 2 khu vực ở phía đông, hiện do các lực lượng ly khai kiểm soát từ năm 2014.
Mới đây, ngày 23/11, người phát ngôn điện Kremlin cho biết, Nga sẽ không tấn công Ukraine và sẽ không tiến hành những kế hoạch "hung hăng”, song không loại trừ khả năng hành động quân sự sau khi Moscow cân nhắc đến những mối đe dọa đáng lo ngại từ Kiev.
Trong khi đó, Ukraine phủ nhận bất kỳ kế hoạch tấn công nào nhằm giành lại 2 khu vực ở phía đông, đồng thời cáo buộc Nga huy động hơn 92.000 binh lính gần biên giới nước này để chuẩn bị cho một cuộc xung đột.
Xung đột Nga – Ukraine liệu có xảy ra?
Sau khi trao đổi với nhiều quan chức tình báo phương Tây và Nga, Reuters cho biết, gần như tất cả các chuyên gia đều nhất trí rằng sẽ không có khả năng một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine diễn ra trong tương lai gần.
Theo các chuyên gia, một kịch bản thực tế hơn là Tổng thống Putin sẽ sử dụng lực lượng quân sự để phát đi cảnh báo rằng, Nga nghiêm túc trong việc bảo vệ các "lằn ranh đỏ" trước Ukraine. Trong những tuần gần đây, Moscow nhiều lần khẳng định, Nga không chấp nhận việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine hay bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của liên minh này tại Ukraine. Nga cũng phản đối mạnh mẽ khả năng Ukraine trở thành một thành viên của NATO.
Hồi mùa xuân năm 2021, Nga từng triển khai hơn 100.000 binh lính đến gần biên giới Ukraine và sau đó rút quân. Các chuyên gia đánh giá, bằng những động thái như vậy, Tổng thống Putin đang khiến các đối thủ của Nga phải suy đoán về ý định của mình và nhắc nhở phương Tây rằng, Nga là một lực lượng mà họ không thể phớt lờ.
Ukraine tăng cường lực lượng
Trong khi đó, Ukraine đã tăng cường sức mạnh quân sự kể từ năm 2014 sau khi Nga sáp nhập Crimea. Kiev sở hữu những tên lửa chống tăng tiên tiến do Washington cung cấp và nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng tình báo Mỹ.
Từ tháng 4, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Hồi tháng 3, Mỹ thông báo sẽ cung cấp gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine trị giá 125 triệu USD, trong đó bao gồm các tàu tuần tra bờ biển và thiết bị radar. Sau đó, Mỹ đã cung cấp gói hỗ trợ bổ sung cho Ukraine trị giá 150 triệu USD vào tháng 6. Các thiết bị chiến tranh điện tử, liên lạc và radar trong những gói hỗ trợ này dành cho Lực lượng vũ trang Ukraine đã nâng tổng số tiền Mỹ hỗ trợ Ukraine kể từ năm 2014 lên 2,5 tỷ USD.
Mới đây, CNN dẫn một số nguồn tin cho biết, Mỹ đang thảo luận về một gói viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó có thể bao gồm tên lửa chống tăng Javelin mới, tên lửa chống thiết giáp và súng cối.
Phản ứng của phương Tây
Phương Tây đã áp lệnh trừng phạt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014 và có thể gia tăng các biện pháp mới mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, chẳng hạn như ngăn cản đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 vận hành. Nếu một cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, căng thẳng Nga và phương Tây chắc chắn sẽ leo thang nếu không muốn nói là mối quan hệ này sẽ đổ vỡ hoàn toàn. Hiện chưa rõ liệu NATO sẽ hành động như thế nào nếu kịch bản trên xảy ra bởi Ukraine không phải là thành viên của liên minh này. Dù vậy, việc không hành động gì có thể khiến NATO trở thành bên đứng ngoài cuộc chơi và NATO không hề mong muốn như vậy.
"Đây là một ván bài bên bờ vực chiến tranh. Cả NATO và Nga đều sẽ có những tính toán cẩn thận về những bước đi tiếp theo. Nếu NATO triển khai lực lượng, Nga sẽ coi đây là sự leo thang căng thẳng không thể chấp nhận được", chuyên gia Samir Puri tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) bình luận.
"Liệu diễn biến ở Ukraine có thể dẫn đến chiến tranh hay không, theo tôi khả năng này khó có thể xảy ra. Đây thực sự là kịch bản mà cả Nga và NATO đều cố gắng ngăn chặn", nhà phân tích này đánh giá./.