Li Guofu, chuyên gia về Trung Đông tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) tại Bắc Kinh cho biết: “Nếu hỏi tôi về quan điểm của Trung Quốc đối với cuộc xung đột tại Trung Đông, tôi sẽ nói rằng điều Trung Quốc mong muốn là không có bất ổn và căng thẳng leo thang trong khu vực”.

Phát biểu với DW, ông Li Guofu nhấn mạnh, Trung Quốc cần một thế giới hòa bình và ổn định để tiếp tục con đường phát triển của mình: “Tình hình bất ổn ở Trung Đông không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của toàn thế giới và do đó, làm tổn hại sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Để chấm dứt vòng xoáy xung đột mới nhất giữa Israel và Palestine, Bắc Kinh đã kêu gọi các bên liên quan sớm nhất trí về một thỏa thuận ngừng bắn. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đưa ra đề xuất 4 điểm, gồm ngừng bắn và chấm dứt bạo lực là ưu tiên cao, hỗ trợ nhân đạo là yêu cầu cấp thiết, hỗ trợ quốc tế là một nghĩa vụ và "giải pháp 2 nhà nước" là giải pháp nền tảng.

Với vai trò là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc trong tháng 5, Trung Quốc cùng nhiều quốc gia thành viên khác đã nỗ lực thúc đẩy việc thông qua một tuyên bố chung kêu gọi chấm dứt bạo lực giữa Palestine – Israel và bảo vệ dân thường. Tuy nhiên, nỗ lực này đã thất bại do sự phản đối của Mỹ.

Lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông

Trung Đông đóng một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh năng lượng của Trung Quốc, đáp ứng khoảng 1 nửa nhu cầu dầu mỏ và khí đốt của quốc gia này. Ngoài ra, các tàu container vận chuyển hàng hóa trị giá hàng tỷ euro giữa Trung Quốc và châu Âu đều phải đi qua kênh đào Suez.

Nhà phân tích Li Guofu nhận định: “Xung đột giữa Israel và Palestine là vấn đề cốt lõi của khu vực. Nếu không có bất cứ giải pháp công bằng và lâu dài nào cho cuộc xung đột này thì tình trạng bất ổn sẽ còn tiếp diễn. Điều đó sẽ tác động tiêu cực đến hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trong khu vực”.

Israel là một đối tác quan trọng trong chiến lược kinh tế toàn cầu của Trung Quốc. Kể từ khi hai bên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, Bắc Kinh đã gây dựng được mối quan hệ hợp tác chặt chẽ về kinh tế, kỹ thuật và quân sự với Israel, trong đó có thỏa thuận mua máy bay không người lái của Tel Aviv. Hai bên cũng liên kết trong lĩnh vực công nghệ và nghiên cứu.

Ngoài ra, Israel còn đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc hiện đang tham gia vào các dự án mở rộng cảng biển, xây dựng tuyến đường sắt kết nối giữa 2 thành phố của Israel là Eilat ở rìa bắc Biển Đỏ và Ashdod, ở phía nam của Tel Aviv. Tuy nhiên, dự án xây dựng đường sắt hiện đang bị đình trệ.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, kim ngạch thương mại giữa nước này với Israel tăng gần 19% vào năm 2020 đạt gần 17,5 tỷ USD (14,3 tỷ Euro), trong khi kim ngạch thương mại với vùng lãnh thổ Palestine lên tới 100 triệu USD.

Ủng hộ bằng lời nói đối với Palestine?

Ông Bao Hsiu-Ping, chuyên gia về Trung Đông tại Đại học Chi Nan ở Đài Loan cho rằng, Trung Quốc luôn thể hiện nước này là một nhân tố ủng hộ mạnh mẽ cho quyền lợi của người Palestine, nhưng sự ủng hộ của Bắc Kinh hầu như chỉ giới hạn ở lời nói.

Theo ông Bao Hsiu-Ping: “Do những chiến dịch tiếp xúc tích cực của chính phủ Israel với các phương tiện truyền thông và trường đại học ở Trung Quốc, nên ít nhất vẫn có một bộ phận dân số Trung Quốc đứng về phía Israel”. Nhiều người Trung Quốc có suy nghĩ tích cực đối với người Do Thái, cho rằng họ là những người thông thái trong kinh doanh, có ý chí vượt nghịch cảnh và đạt được nhiều thành tựu về khoa học công nghệ.

Sau khi cuộc xung đột mới nhất giữa Israel và Palestine bùng phát, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã lên án các hành vi bạo lực đối với dân thường, đồng thời hối thúc Israel “kiềm chế, chấm dứt bạo lực, các hành vi đe dọa và khiêu khích”.  Nhưng theo chuyên gia Bao Hsiu-Ping, Trung Quốc có thể sẽ không can dự sâu hơn vào cuộc xung đột này.

“Lợi ích của Trung Quốc tại Trung Đông tập trung vào các mối quan hệ kinh tế. Mà ưu tiên hàng đầu là khiến các nguồn cung dầu mỏ và các tuyến đường vận chuyển không bị gián đoạn. Đối với các vấn đề khác Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tuân thủ nguyên tắc không can thiệp”, ông Bao Hsiu-Ping nói.

Nỗ lực xây dựng một hình ảnh tích cực

Xét cho cùng, một Trung Đông ổn định là điều rất quan trọng cho sự thành công của dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng mà Trung Quốc đang thực hiện. Đáng chú ý, khu vực này được cho là nơi giao thoa giữa “Vành đai” và “Con đường”. Trong những năm gần, Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện nước này là một nhà trung gian hòa giải cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Để đạt được mục tiêu đó, Trung Quốc từng tổ chức hội nghị chuyên đề dành cho những người ủng hộ hòa bình giữa Palestine và Israel vào tháng 12/2017.

Trong bối cảnh cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng trên toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, Bắc Kinh đã đối lập các nỗ lực ngoại giao của mình với Washington - một đồng minh thân cận của Israel, cho rằng, Mỹ là nhân tố luôn sẵn sàng châm ngòi căng thẳng thay vì chủ động thực thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn xung đột giữa người Palestine và Israel.

Nhưng một số nhà phân tích chỉ ra rằng, sự hiện diện quân sự gần như bằng 0 của Trung Quốc trong khu vực sẽ cản trở khả năng thúc đẩy lộ trình hòa bình mà nước này đang đề xuất.

Chính sách của Trung Quốc tại Trung Đông từ trước đến nay vẫn là làm bạn với tất cả các bên. Nhưng với tính hình căng thẳng hiện nay, khi các cuộc giao tranh giữa Israel với các nhóm vũ trang ở Palestine leo thang không ngừng, Bắc Kinh sẽ khó có thể duy trì chính sách này./.