Mỗi ngày, dù chúng ta có thừa nhận hay không thì quyết định mà chúng ta đưa ra đều dựa trên những gì chúng ta tin tưởng. Những lựa chọn, thách thức và cơ hội mà chúng ta đang đối mặt, cũng như cách thức chúng ta ứng phó với chúng tiết lộ những điều quan trọng về đặc trưng, mong muốn và tính cách của chúng ta. Khi những giá trị này áp dụng với một cộng đồng dân cư, chúng có khả năng thúc đẩy sự tiến bộ của một đất nước và dạy thế giới những bài học giá trị về thành công.
Cuốn sách The Value Compass (tạm dịch là "La bàn giá trị") của tác giả Mandeep Rai đã khai thác khía cạnh đó và khám phá giá trị quan trọng nhất ở từng nước trong 101 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Richard Barrett, giám đốc Học viện vì Tiến bộ các giá trị con người nhận định, đây là một cuốn sách chứa đựng sự hiểu biết cá nhân sâu sắc về những giá trị tiêu biểu của các quốc gia. Theo Amazon, The Value Compass là cuốn sách bán chạy nhất mảng Doanh nghiệp của The Sunday Times và là một trong những cuốn sách được khen ngợi tại Lễ trao giải Business Book Awards 2021.
Tác giả cho rằng các giá trị đóng vai trò quan trọng, giống như một "mỏ neo" trong một môi trường mà truyền thông bị điều khiển, chính trị trở nên xung đột và các niềm tin truyền thống nhạt phai. Sự tiến bộ công nghệ đem đến cho chúng ta khối lượng lớn thông tin nhưng cũng gieo rắc vào chúng ta sự nghi ngờ bản thân.
"Tôi tin rằng mỗi quốc gia đều có một bài học và giá trị. Chúng đều quan trọng và là nguồn tham khảo cho chúng ta. Nhưng chúng ta phải lựa chọn. Không ai có 101 giá trị tiêu biểu cả. Với mỗi người chúng ta, một số giá trị sẽ quan trọng hơn so với những giá trị khác”, tác giả của cuốn sách chia sẻ.
Một Việt Nam kiên cường
"Resilience", tạm dịch là "kiên cường" hay "khả năng phục hồi" là từ khóa mà tác giả lựa chọn khi nói về Việt Nam. Bà Mandeep Rai cho rằng, Việt Nam là một quốc gia khiến người ta hiểu về "ý nghĩa thực sự của sự kiên cường" khi trải qua một trong những cuộc chiến dữ dội nhất vào cuối thế kỷ 20, cũng như "không bị khuất phục" trước những cường quốc kinh tế và quân sự lớn nhất thế giới.
Tác giả nhận định, "sự phục hồi của Việt Nam sau chiến tranh là một điều phi thường, đồng thời là một minh chứng cho sự kiên cường của con người và đất nước này". Bà Rai dẫn ra rằng, sau chiến tranh, ước tính 70% dân số Việt Nam sống trong đói nghèo nhưng con số này hiện đã giảm xuống dưới 10%. Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Năm 2017, Việt Nam khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á với tăng trưởng GDP là 6,7%, trong khi đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên đến 17,5 tỷ USD. Công ty tham vấn Pricewaterhouse Coopers ước tính, vào năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, theo bà Mandeep Rai, Việt Nam là "một đất nước tiến bộ: Khoảng 25% CEO và giám đốc tại các công ty Việt Nam là phụ nữ và Việt Nam đứng thứ hai châu Á về số lượng phụ nữ đảm nhiệm các vị trí quản lý cấp cao".
Tác giả đánh giá, Việt Nam có kết quả đáng tự hào về giáo dục khi chú trọng đầu tư và thể hiện tốt trên các bảng xếp hạng của Pisa (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế) toàn cầu.
Sự kiên cường của Việt Nam còn được thể hiện khi đối mặt với các thảm họa tự nhiên, bà Rai nhận định. Ngân hàng Thế giới (WB) xếp Việt Nam là "một trong nhưng quốc gia dễ xảy ra rủi ro nhất" ở Thái Bình Dương khi ước tính 70% dân số Việt Nam đối mặt với rủi ro của bão lũ, hạn hán, lở đất và động đất. Trong khi các quốc gia khác đặt tên cho những cơn bão thì Việt Nam chỉ đánh số chúng bởi có quá nhiều cơn bão đổ bộ.
Bà Mandeep Rai bình luận, dù vậy, Việt Nam không bị đánh bại bởi khí hậu khắc nghiệt, cũng như cách họ không bị đánh bại trước những đe dọa về quân sự hay kinh tế.
Cuối cùng, tác giả cho rằng: "Dù trong bất kỳ điều kiện nào, Việt Nam đều sẽ tìm cách vượt qua. Thậm chí, họ còn thể hiện tốt cả trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều kiện càng khó khăn thì sự kiên cường và khả năng thích nghi của Việt Nam càng trở nên mạnh mẽ". Tác giả cũng khẳng định, Việt Nam "là một tấm gương về khả năng phản ứng khi gặp nghịch cảnh".
Ngày 11/10/2021, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch Covid-19”. Trước những khó khăn trước mắt và thậm chí cả các thách thức trong tương lai, nếu có thể phát huy giá trị dân tộc về sự kiên cường và khả năng thích ứng khi gặp nghịch cảnh, Việt Nam sẽ sớm khắc phục được những hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 và tiếp tục chặng đường phát triển./.