Theo kết quả chính thức cuộc bầu cử Quốc hội Libya thông báo hôm 17/7, Liên minh các Lực lượng Dân tộc (NFA) của cựu Thủ tướng Mahmoud Jibril đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên kể từ khi Cựu Tổng thống Libya Gaddafi bị lật đổ. Mặc dù được đánh giá là một bước ngoặt tiến tới dân chủ trong lịch sử Libya, nhưng kết quả cuộc bầu cử này chưa đưa ra một tương lai rõ ràng về việc lực lượng nào sẽ chiếm ưu thế trong quốc hội mới.

bau-cu-libya.jpg
Cuộc tổng tuyển cử liệu có mang đến những hy vọng mới cho người dân nước này vào một nhà nước Libya thời hậu Gaddafi (Ảnh: AP)

Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Tối cao Libya, Liên minh các lực lượng vũ trang giành được 39 trong số 80 ghế cho các đảng chính trị trong Quốc hội. Đảng Công lý và Xây dựng của Tổ chức Anh em Hồi giáo Libya đứng thứ 2 với 17 ghế. Những ghế còn lại dành cho các đảng nhỏ. Quốc hội mới của Libya bao gồm 200 ghế, trong đó có 120 ghế dành cho các ứng cử viên độc lập và 80 ghế dành cho các nhóm và đảng chính trị. Điều này cho thấy mặc dù được đánh giá là một cuộc bầu cử thành công, nhưng kết quả cuộc bầu cử chưa phản ánh rõ lực lượng nào sẽ giành quyền kiểm soát quốc hội mới tại Libya.

Hiện 2 đảng dẫn đầu trong cuộc bầu cử đang chạy đua đàm phán với những đảng nhỏ cũng như các ứng cử viên độc lập để thành lập một khối có ưu thế hơn trong Quốc hội, nơi những quyết định quan trọng và luật ban hành đòi hỏi cần phải 2/3 số phiếu ủng hộ. Lãnh đạo Liên minh các Lực lượng Dân tộc ôngJibrin kêu gọi các đảng tham gia vào một cuộc đối thoại quốc gia nhằm thành lập một liên minh rộng lớn hơn.

Trong khi người đứng đầu Đảng Công lý và Xây dựng Mohammed Sawan thể hiện sự tin tưởng rằng một số lượng lớn các ứng cử viên độc lập trong Quốc hội sẽ ủng hộ phe Hồi giáo: Nhiều cử tri Libya không bỏ phiếu cho Đảng Tái thiết và Xây dựng trong cuộc bầu cử vừa qua vì họ vẫn lo ngại bởi một số hình ảnh của chúng tôi trong quá khứ. Mọi người chưa hiểu thực tế về Tổ chức anh em Hồi giáo hay Đảng Tái thiết và Xây dựng. Tuy nhiên điều quan trọng giúp củng cố quyền lực của người Hồi giáo thể hiện trong kết quả danh sách các ứng cử viên độc lập.  Phần lớn số người chiến thắng trong số 120 ứng viên độc lập là những người Hồi giáo”.

Cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua tại Libya là một bước đi quan trọng sau 42 năm cai trị của ông Gaddafi. Quốc hội mới tại Libya sẽ có nhiệm vụ bầu Chính phủ mới thay thế Hội đồng Dân tộc Chuyển tiếp và soạn thảo Hiến pháp mới để đưa ra trưng cầu ý dân trên toàn đất nước. Tuy nhiên, theo giới quan sát, trong thời gian tới, chính phủ mới của Libyasẽ phải đối mặt với những thách thức lớn không những về mặt chính trị, mà còn cả kinh tế và an ninh.

Việc phân chia số ghế trong Quốc hội giữa khu vực phía Đông, Tây và Nam Libya không đều nhau đã gây ra sự chia rẽ lớn tại Libya. Điều này đã dẫn đến hàng loạt các cuộc biểu tình đẫm máu cũng như bạo lực trước thềm bầu cử. Nhiều lực lượng, tổ chức tại miền Đông Libya gia tăng sức ép đòi thiết lập Nhà nước liên bang tại Libya, với quyền tự trị cao được trao cho chính quyền các tỉnh.

Trong khi đó, an ninh vẫn là thách thức lớn mà chính quyền mới tại Libi phải đối mặt. Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya đã không thể thành lập một lực lượng quân đội và cảnh sát vững mạnh giúp đảm bảo an ninh cho đất nước. Nhiều tay súng tham gia vào cuộc chiến chống lại chính quyền của Cựu Tổng thống Gaddafi năm 2011 cũng từ chối từ bỏ vũ khí và đưa ra những điều kiện để bảo vệ họ.

Bên cạnh đó, chính quyền mới của Libya còn phải đối mặt với sự trì trệ về kinh tế mặc dù phương Tây đã dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với nước này.

Vì vậy, kết quả của cuộc tổng tuyển cử đầu tiên đã mang lại một số tia hy vọng về một trang mới cho người dân Libya. Tuy nhiên, con đường phía trước đầy thử thách và chông gai giúp xây dựng một nhà nước Libya mới thời hậu Gaddafi vẫn đang chờ đợi Chính phủ mới của Libya./.