“Phụ nữ Afghanistan được bảo đảm quyền theo các giá trị Hồi giáo, được tôn trọng, được giáo dục và làm việc cũng như tham gia chính quyền mới”. Đó là khẳng định của đại diện phong trào Taliban về địa vị của phụ nữ trong tương lại sau khi vừa giành quyền kiểm soát hoàn toàn Afghanistan. Tuy nhiên, hàng triệu phụ nữ Afghanistan khó tin vào những lời hứa của các nhà lãnh đạo Taliban và lo sợ sự trở lại của 'những ngày đen tối' với sự cai trị của phong trào này. Nhiều bài viết cho rằng việc Taliban trở lại kiểm soát Afghanistan là "ngày tận thế" đối với phụ nữ nước này.
Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban khẳng định họ sẽ tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là quyền của phụ nữ nhưng theo các giá trị Hồi giáo. Người phát ngôn của phong trào Taliban, Zabihullah Mujahid khẳng định đảm bảo với thế giới rằng các quyền của phụ nữ được bảo vệ theo luật Hồi giáo Sharia, đồng thời nhấn mạnh phụ nữ sẽ được phép làm việc tại quốc gia này. Phong trào Taliban tuyên bố sẽ tôn trọng quyền của phụ nữ và cho phép họ được giáo dục, làm việc và phụ nữ sẽ có chỗ trong cơ cấu chính phủ phù hợp với các quy định của Hồi giáo Sharia.
Nhưng điều này bị nghi ngờ và khó trở thành hiện thực bởi các hoạt động thực tế của Taliban hiện nay và lịch sử hành vi của phong trào này đối với phụ nữ. Phần lớn phụ nữ Afghanistan không tin vào những lời hứa, đặc biệt là những người có học thức, có vai trò chính trị, tư pháp và vị trí trong các cơ quan nhà nước.
Họ lo sợ hay ám ảnh vì đã phải chịu sự đàn áp nghiêm trọng bởi các chiến binh của phong trào Taliban giai đoạn 1996-2001, khi phong trào này cai trị hầu hết đất nước, bao gồm cả thủ đô Kabul. Vào thời điểm đó, phụ nữ bị cấm học hành và làm việc, bị ép kết hôn khi còn nhỏ, hoàn toàn chịu sự quản lý của con cái và chồng, mặc các trang phục choàng kín và phải chịu các hành vi bạo lực nghiêm trọng như bị sỉ nhục trước công chúng, hành quyết nơi công cộng, ném đá, treo cổ nếu vi phạm các điều cấm kỵ này. Điều này đã xảy ra mặc dù hiến pháp năm 1964 của Afghanistan đã công nhận sự bình đẳng của nam giới và phụ nữ, cũng như cho phép phụ nữ Afghanistan các quyền gần như tương đương với nam giới.
Sau khi Afghanistan được giải phóng khỏi phong trào Taliban, hiến pháp được thông qua vào năm 2004 đã khôi phục lại tinh thần của hiến pháp năm 1964, đặc biệt là về quyền bình đẳng của phụ nữ với nam giới và quyền được giáo dục, làm việc.
Sự trở lại của Taliban đang là nỗi sợ hãi của hàng triệu phụ nữ Afghanistan về tương của họ. Họ sẽ mất nhiều quyền tự do mà họ có được kể từ năm 2001 và cho rằng trong vòng vài tháng Taliban có thể sẽ xóa bỏ những thành quả về quyền phụ nữ mà họ phải đấu tranh hơn một thế kỷ. Một thế hệ phụ nữ Afghanistan, những người đã cố gắng tham gia hoạt động, đấu tranh bình đẳng và làm việc với tư cách là nhà lập pháp, nhà báo, thống đốc, bác sĩ, y tá, giáo viên và nhân viên hành chính công đang lo sợ sẽ mất hết việc làm và quyền tự do của phụ nữ. Họ sợ rằng Taliban sẽ áp đặt luật hà khắc theo luật Hồi giáo Sharia và ngăn cản họ đi học hoặc đi làm, tương tự như giai đoạn 1996-2001.
Trang phục burqa là bộ áo choàng phủ kín toàn bộ cơ thể người phụ nữ, chỉ trừ một phần nhỏ ở mắt được che bằng một lớp lưới mỏng. Trước khi Taliban dành quyền kiểm soát, phụ nữ Afghanistan đã ít mặc hoặc không thường xuyên mặc bộ áo choàng burqa này vì họ cho rằng như vậy khó hoạt động hoặc làm việc.
Tốc độ tiến công của các chiến binh đã khiến dân chúng địa phương phải kinh ngạc. Một số phụ nữ không có thời gian để mua một chiếc burqa để tuân thủ các quy tắc của Taliban yêu cầu. Đối với phụ nữ Afghanistan, điều đó thể hiện sự mất mát đột ngột và tàn khốc các quyền đã đạt được trong hơn 20 năm - quyền được làm việc, học tập, di chuyển và thậm chí sống trong hòa bình - mà họ lo sợ sẽ không bao giờ lấy lại được. Khi Taliban cai trị Afghanistan từ năm 1996 đến 2001, họ đã đóng cửa các trường học nữ sinh và không cho phụ nữ làm việc.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tổng số phụ nữ ở Afghanistan năm 2019 là khoảng 17,8 triệu người, tương đương 48,6% tổng dân số cả nước. Báo cáo của Liên Hợp Quốc tháng 7 vừa qua cho thấy, kể từ đầu năm 2021, số thương vong dân sự ở Afghanistan đã tăng khoảng 50%, với số lượng phụ nữ và trẻ em chết, bị thương cao hơn so với 6 tháng đầu năm kể từ năm 2009. Chính phủ cáo buộc Phong trào Taliban ở Afghanistan có liên quan đến hầu hết các vụ ám sát đó. Mới đây, có rất nhiều báo cáo cho rằng Taliban đã kiểm tra nhà của công dân để lập danh sách phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi từ 12-45, với mục đích cưỡng ép gả họ cho các chiến binh. Đồng thời, phong trào khuyến cáo phụ nữ không nên ra khỏi nhà trừ khi có đàn ông đi cùng.
Cựu Đại sứ Afghanistan tại Mỹ, Roya Rahmani, cho biết quyền của phụ nữ sẽ bị mất dưới sự cai trị của Taliban ở Afghanistan. Bà lo ngại các cuộc nội chiến tàn phá Afghanistan sẽ tiếp tục với sự kiểm soát của Taliban.
Bà Rahmani là nữ đại sứ đầu tiên của Afghanistan và giữ chức vụ đó từ năm 2018 cho đến tháng 7 vừa qua. Theo bà, chính phủ do Taliban kiểm soát sẽ không bổ nhiệm nữ đại sứ trong tương lai. Bà Roya Rahmani sợ rằng phụ nữ và trẻ em gái sẽ trở thành một trong những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội Afghanistan.
Taliban hứa hẹn sẽ thành lập một "chính phủ Hồi giáo Afghanistan hòa nhập", mặc dù không rõ sẽ theo hình thức nào. Quyền tự do trong tương lai của phụ nữ là điều mà nhiều người lo lắng nhất. Họ vẫn hoang mang dù người phát ngôn của Taliban, Sohail Shaheen cho biết, dưới sự cai trị của Taliban, các cô gái sẽ được phép học tập, các trường học mở cửa và trẻ em gái cũng như phụ nữ sẽ đến trường với tư cách là giáo viên và học sinh, sinh viên.
Thực tế vẫn là viễn cảnh xa vời với sự ngờ vực sâu sắc liệu những chiến binh Taliban sau 20 năm có thay đổi bản chất, tư tưởng và cả lối sống? Một tương lai mịt mù phía trước với phụ nữ Afghanistan và dưới thời cai trị của Taliban mọi thứ có thể sẽ quay trở lại những ngày đen tối như trước đây./.