Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Ông Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Australia, Chủ tịch và là CEO của Viện Chính sách Xã hội châu Á nhận định, chúng ta đang sống trong giai đoạn cạnh tranh chiến lược giữa 2 cường quốc thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Theo chuyên gia này, có 3 nhân tố dẫn đến tình hình như hiện nay.
Thứ nhất, cạnh tranh Mỹ - Trung là một cuộc cạnh tranh mang tính cấu trúc. Sự trỗi dậy của Trung Quốc về kinh tế, quân sự và công nghệ đã dẫn đến sự thay đổi về bản chất và sự cân bằng quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực.
Nhân tố thứ hai là sự thay đổi về chiến lược của Trung Quốc. Suốt 9 năm vừa qua, chính sách đối ngoại của Trung Quốc dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình đã có những thay đổi lớn, khác hẳn so với thời của các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đó. Điều này đã gây ra căng thẳng với các nước láng giềng không chỉ ở Biển Đông mà còn cả với các nước khác ở khu vực Đông Bắc Á.
Nhân tố mang tính cấu trúc thứ ba dẫn đến xu hướng trong mối quan hệ Mỹ - Trung hiện nay là sự điều chỉnh trong chiến lược trung tâm của Trung Quốc cũng như chiến lược an ninh mới nhất của Mỹ.
Theo ông Kevin Rudd, về căn bản, chính quyền Tổng thống Biden không có sự thay đổi nhiều trong phản ứng trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong cuộc họp Thượng đỉnh Mỹ - Trung gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình đã chỉ rõ, Trung Quốc không muốn gia tăng căng thẳng ngoại giao và thương mại với Mỹ. Đây có thể là tín hiệu cho thấy quan hệ Mỹ - Trung đang hạ nhiệt. Cả hai bên đều nỗ lực kiểm soát mối quan hệ chiến lược nhằm tránh cạnh tranh và đối đầu. Dù vậy, chuyên gia Kevin Rudd đánh giá, vẫn cần có nhiều cuộc trao đổi hơn giữa 2 nước để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, ngăn chặn ngòi nổ chiến tranh.
Trung Quốc chưa từ bỏ tham vọng “độc chiếm Biển Đông”
Về vấn đề Biển Đông, cựu Thủ tướng Australia đánh giá, đây là khu vực diễn ra nhiều tranh chấp trong quá khứ và hiện tại. Trung Quốc hiện có thể đang thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn thay vì các hành vi độc đoán, cưỡng ép, song quan điểm chung của Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông về căn bản không có bất kỳ sự dịch chuyển nào.
Đánh giá về mối liên kết trong ASEAN, ông Kevin Rudd cho rằng, đây là một mô hình hiệu quả, tạo ra diễn đàn để các quốc gia liên kết chặt chẽ với nhau. Trước sức ép và các hành vi của Trung Quốc, các nước ASEAN vẫn đang đoàn kết, tạo ra những ảnh hưởng mang tính chiến lược và có những kết quả nhất định.
Sự xuất hiện của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, cũng như tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng đã cho thấy tình hình an ninh và trật tự khu vực chưa được đảm bảo. Nhiều nước hiện đã có động thái liên kết với nhau nhằm kìm hãm đà vươn lên và ảnh hưởng của Trung Quốc, mới đây nhất là liên minh AUKUS gồm Mỹ, Anh và Australia.
Trước thực tế này, nhà phân tích Kevin Rudd nhận định, để tạo ra ảnh hưởng lớn hơn, ASEAN cần có sự đoàn kết hơn nữa giữa bối cảnh ngày càng nhiều liên minh song phương, đa phương được hình thành trong khu vực.
Quan hệ Mỹ - Trung và các hành vi của Trung Quốc trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến các quốc gia ASEAN. Do đó, sức mạnh đàm phán của ASEAN với tư cách là một khối có ý nghĩa rất quan trọng.
Sự đoàn kết trong ASEAN cần tiếp tục để đảm bảo việc tuân thủ và thực hiện các công cụ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đảm bảo sự thống nhất và đoàn kết trong khối, mang lại tương lai bền vững và ổn định cho khu vực./.