Tia hy vọng nhen nhóm từ các cuộc đàm phán
Những cuộc đàm phán trong tuần này đã mang đến tia hy vọng về một lối thoát khả thi cho cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận thực tế là nước này sẽ không thể gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
AP dẫn thông tin từ một quan chức của văn phòng Tổng thống Zelensky cho biết, các cuộc đàm phán tập trung vào việc liệu quân đội Nga có duy trì sự hiện diện ở các khu vực ly khai tại miền Đông Ukraine hay không và biên giới của những khu vực này sẽ được xác định như thế nào. Ukraine muốn có ít nhất một quốc gia hạt nhân phương Tây tham gia vào các cuộc đàm phán một văn bản ràng buộc pháp lý về đảm bảo an ninh. Đổi lại, Kiev sẵn sàng thảo luận về quy chế trung lập quân sự.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và ông Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Nga ngày 16/3 lần đầu tiên công khai xác nhận rằng tình trạng trung lập đối với Ukraine đang được thảo luận, làm dấy lên nhiều suy đoán về việc điều này sẽ diễn ra như thế nào.
Nhưng ngay cả khi một thỏa thuận được ký kết, vẫn không có gì đảm bảo rằng điều đó được giữ vững khi các bên vẫn nghi ngờ nhau. Phương Tây cáo buộc Nga vi phạm luật pháp quốc tế và từ bỏ cam cam kết của chính nước này khi phát động cuộc tấn công Ukraine. Còn theo quan điểm của Tổng thống Nga Putin, phương Tây đã vi phạm cái mà ông cho là “lằn ranh đỏ của Nga”, đó là mở rộng NATO về phía Đông Âu.
Cơ chế trung lập là việc một quốc gia không chọn bất cứ bên nào, tránh tham gia vào những liên minh ràng buộc và cố gắng đứng ngoài một cuộc xung đột. Nhưng ngay cả những quốc gia được coi là trung lập vẫn có những giới hạn của họ. Những quốc gia châu Âu thường được nhắc đến khi đề cập trạng thái này là Thụy Sĩ hoặc Áo – vốn đưa cơ chế trung lập vào hiến pháp của mình. Ngoài ra, còn những nước khác như Thụy Điển, Phần Lan, Ireland và Bỉ.
Thụy Sĩ đã tạo được danh tiếng là biểu tượng hàng đầu của sự trung lập, khi tránh xa các liên minh, từ chối gia nhập EU, đóng vai trò trung gian giữa các quốc gia đối đầu. Mặc dù là nơi đặt trụ sở của các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc phụ trách khu vực châu Âu trong nhiều thập kỷ, nhưng Thụy Sĩ gia nhập Liên Hợp Quốc khá muộn so với nhiều nước khác.
Tuy vậy, Thụy Sĩ vẫn hưởng ứng các lệnh trừng phạt của liên minh châu Âu đối với Nga sau khi Moscow thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và trước đó đã tham gia các cuộc tập trận với NATO trong mùa Đông tại nước láng giềng NA Uy. Phần Lan từ lâu không muốn gia nhập NATO, nhưng cuộc xung đột tại Ukraine đã và đang thay đổi lập trường của nước này.
Một số quốc gia - đặc biệt là những nước ở Trung và Đông Âu có vị trí gần Nga đã gia nhập NATO, đồng thời né tránh thái độ trung lập vì lo ngại điều này sẽ khiến họ trở nên yếu thế và dễ tổn thương.
Quy chế trung lập có phải lối thoát cho khủng hoảng?
Giới phân tích cho rằng, việc đảm bảo tính trung lập của Ukraine trong bất cứ thỏa thuận nào cũng có thể giúp giảm bớt những lo ngại của Nga về mối đe dọa quân sự ngay sát sườn, đặc biệt là trước khả năng Kiev có thể trở thành thành viên NATO. Ukraine từng khẳng định nước này không có kế hoạch đối đầu với Nga, nhưng đã ngả về phía NATO để được sự đảm bảo an ninh.
Trong nhiều năm qua, Tổng thống Putin đã bày tỏ lo ngại về việc NATO đang dần mở rộng về phía Đông sau Chiến tranh Lạnh khi Khối hiệp ước quân sự Warsaw do Liên Xô đứng đầu tan rã. Estonia, Latvia và Litva những nước từng thuộc Liên Xô cũ nay đã trở thành thành viên của NATO. Gruzia cũng ôm tham vọng gia nhập NATO. Tuy nhiên, năm 2008, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Gruzia với lý do bảo vệ hai khu vực đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia tại quốc gia này đã khiến tham vọng gia nhập NATO của Gruzia rơi vào tình trạng đóng băng.
Còn đối với Ukraine tham vọng này trở nên mạnh mẽ hơn kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và các lực lượng ly khai thân Nga giành quyền kiểm soát nhiều khu vực ở miền Đông. Lo ngại của Moscow đã đạt đếm điểm sôi vào năm 2021 sau khi NATO tăng cường cung cấp vũ khí và điều các cố vấn tới Ukraine.
Fotios Moustakis, phó giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Plymouth lưu ý, kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Bucharest năm 2008, Nga công khai tuyên bố rằng, việc Gruzia và Ukraine trở thành thành viên NATO sẽ là sai lầm chiến lược to lớn và đe dọa trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của Nga.
Ông Moustakis nhận định, cuộc tấn công của Nga tại Ukraine không phải là để thiết lập một “Liên Xô 2.0”, mà đó là “việc đảm bảo những gì được coi là sống còn đối với các lợi ích chiến lược của Nga. Nếu các lợi ích của Nga không được phương Tây xem xét, Moscow sẵn sàng hành động và đó có thể là chiến dịch quân sự mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay”.
Nhà phân tích Fotios Moustakis cho rằng: “Nga không mong muốn và cũng không có khả năng giành quyền kiểm soát toàn bộ đất nước Ukraine. Vì thế trung lập có thể là liều thuốc chữa bách bệnh nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại. Phần Lan hoặc Áo sẽ là hình mẫu hợp lý cho con đường phía trước của Ukraine”.
Tuy nhiên, vẫn còn những câu hỏi về việc một Ukraine trung lập sẽ như thế nào? Katharine AM Wright – chuyên gia cao cấp về chính trị quốc tế tại Đại học Newcastle lưu ý: “Một Ukraine trung lập sẽ không còn là đối tác của NATO, khác với Phần Lan và Thụy Điển dù theo đuổi cơ chế này nhưng vẫn là những đối tác của NATO. Khi đó, tham vọng trở thành thành viên NATO của Ukraine có thể bị tan biến hoàn toàn. Ukraine sẽ phải tìm kiếm các mối quan hệ bên ngoài NATO chẳng hạn như các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc [Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ] để giúp đảm bảo an ninh”.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, việc Ukraine theo đuổi cơ chế trung lập có thể là chìa khóa mở ra một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện tại. Tuy nhiên, việc chấm dứt chiến tranh cần phải dựa trên sự nhượng bộ đáng kể của cả hai phía. “Để duy trì hòa bình và ổn định, đôi khi các bên cần phải từ bỏ một số lý tưởng và mục tiêu của mình”, ông Fotios Moustakis nhấn mạnh./.