Cuộc "so găng” cuối cùng lần thứ ba giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton tại Las Vegas vào tối ngày 19/10 đã khép lại chuỗi các cuộc tranh luận trực tiếp giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ.
Ứng viên tổng thống Mỹ Đảng Cộng hoà Donald Trump. |
Dưới sự điều phối của người dẫn chương trình nổi tiếng Chris Wallace, cuộc đối đầu lần này đã chứng kiến hai ứng viên tổng thống Mỹ tiếp tục khẩu chiến, công kích nhau gay gắt mà không một lần bắt tay xã giao.
Cuộc tranh luận lần thứ ba này là cơ hội cuối cùng để tỉ phú Trump chứng minh với người dân Mỹ rằng mình có đủ khí chất và năng lực để trở thành người đứng đầu Nhà Trắng. Còn đối với cựu Ngoại trưởng Mỹ Clinton, đây là cơ hội cho bà thu phục các cử tri trẻ tuổi hơn, những người vẫn coi đối thủ của bà mới là người có thể đem lại cơ hội thay đổi cho nước Mỹ.
Cuộc tranh luận kéo dài 90 phút và đầy gay cấn giữa một doanh nhân thành đạt và một chính trị gia đầy kinh nghiệm đã xoay quanh nhiều vấn đề, trong đó các vấn đề nổi cộm như kinh tế, xã hội, chính sách đối ngoại.
Song ai thực sự nổi trội và hứa hẹn sẽ là người kế vị Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama?
Theo ông Aaron Connelly, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy, bà Clinton đã xử lý vấn đề tốt hơn khi nói về chính sách.
Ông Connely cũng cho rằng tỉ phú Trump thành công trong việc tấn công đối thủ, song nhấn mạnh rằng người chiến thắng thực sự trong cuộc tranh luận quan trọng này sẽ chỉ có thể biết cho tới khi có kết quả các cuộc thăm dò ý kiến trong một vài ngày tới.
Chuyên gia này nhận định cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối cũng tương tự như lần đầu ở chỗ cho thấy ông Trump tự mình làm hại mình. Tỉ phú Trump không chỉ để mình "mắc bẫy” đối thủ của mình một vài lần mà còn càng củng cố luận điểm của bà Clinton cho rằng ông Trump không đủ khí chất trở thành Tổng tư lệnh. Ứng viên tổng thống Đảng Cộng hoà đã không "ghi điểm” đối với các cử tri nữ khi gọi bà Clinton là "người đàn bà xấu xa”.
Theo ông Connelly, lời phàn nàn của ông Trump về gian lận trong bầu cử và việc ông Trump từ chối cho biết liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử cũng làm mất đi của ông những cơ hội để thu hẹp khoảng cách với bà Clinton vốn đang dẫn trước điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến vừa qua.
Ông Connelly cho biết: "Lần kết quả bầu cử không được chấp nhận là vào năm 1860 và điều đó đã dẫn tới một cuộc nội chiến. Trong 10 năm qua, chỉ có 35 trường hợp gian lận phiếu được phát hiện trong hàng tỉ lá phiếu bầu".
Ông Connelly cho hay ông Trump đã thể hiện tốt trong các cuộc tranh luận của Đảng Cộng hoà vì ông phải đối chọi với một vài ứng cử viên và nổi trội vì bạo miệng. Song theo ông Connelly, nói trên 90 giây như trong buổi tranh luận vừa qua, ông Trump đã mất đi sự mạch lạc và những lời nhận xét của ông về Mosul không toàn diện và ông đưa ra những cứ liệu chính sai.
Tuy nhiên, ông Connelly cho rằng trong 30 phút đầu ông Trump đã thể hiện tốt nhất khi giải đáp những câu hỏi về Toà án Tối cao, nạo phá thai và kiểm soát súng. Song bà Clinton đã dồn ép đối thủ ở nhiều điểm khiến ông Trump rơi vào thế "bế tắc” và trở nên tồi tệ hơn.
Theo ông Connelly, ông Trump hiện mất điểm so với bà Clinton và cuộc "so găng" cuối cùng đã không làm được nhiều để thu hẹp khoảng cách đối với đối thủ của mình.
Giáo sư Simon Jackmam, Giám đốc Điều hành Trung tâm Nghiên cứu Liên kết thuộc trường Đại học Sydney, nhận định cuộc tranh luận thứ ba ghi điểm cho bà Clinton. Ông nói: "Bà Clinton đặc biệt mạnh trong việc chọc tức ông Trump và cho thấy ông Trump không thích hợp với Nhà Trắng".
Theo Giáo sư Jackman, cuộc tranh luận này cũng giống như phần lớn chiến dịch tranh cử đôi lúc trở nên hoàn toàn mang tính cá nhân và không phản ánh đúng được cả hai. Ông nói: "Đây là mùa tranh cử mang tính cá nhân và tồi tệ nhất mà tôi thấy trong 40 năm giảng dạy về chính trị Mỹ. Cuộc tranh luận khởi đầu một cách lịch sự song không kéo dài được lâu”.
Giáo sư Jackman cho rằng bà Clinton đã thành công trong việc dồn ép ông Trump và làm nổi bật những gì ông Trump tin đi ngược với tất cả những gì nước Mỹ đề cao, như tôn trọng kết quả bầu cử.
Giáo sư Jackman cho biết, khi ông Trump nói ông Bernie Sanders chỉ trích bà Clinton, bà Clinton đã "phản pháo” lại bằng cách nhắc nhở ông Trump rằng ông đã từng nói ông Sanders là một trong những con người nguy hiểm nhất tranh cử vào Nhà Trắng. Theo Giáo sư Jackman, ông Trump đã phần nào thành công trong việc "xoáy” về scandal email và mức đáng tin cậy của bà Clinton.
Các kết quả thăm dò ý kiến
Mặc dù ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Clinton đang dẫn đầu các cuộc thăm dò ý kiến và càng nới rộng khoảng cách với đối thủ của mình, song kết quả của cuộc tranh luận cuối cùng sẽ chỉ được biết trong một vài ngày tới.
Ứng viên tổng thống Mỹ Đảng Dân chủ Hillary Clinton |
Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát nhanh của hăng truyền hình CNN, 52% ý kiến cho rằng bà Clinton chiến thắng trong cuộc tranh luận thứ ba so với tỉ lệ ủng hộ 39% mà ông Trump nhận được.
Theo thống kê của CNN, bà Clinton diễn thuyết dài hơn với thời gian 41 phút 46 giây so với thời gian phát biểu của ông Trump là 35 phút 41 giây.
Cuộc thăm dò ý kiến thông qua phỏng vấn 1.503 cử tri đã đăng ký do CNN tiến hành còn cho thấy 12% cử tri cho rằng "trận đấu” kết thúc ngang điểm.
Trang tin YouGov cũng tuyên bố bà Clinton chiến thắng trong cuộc tranh luận cuối cùng với tỉ lệ 49%, bỏ xa đối thủ Trump với tỉ lệ 39%. /.
Hillary được đánh giá nhỉnh hơn Trump trong trận “so găng” cuối cùng