Trong những ngày đầu của chính quyền Barack Obama, Phó Tổng thống Mỹ khi đó Joe Biden ủng hộ việc “ấn nút tái khởi động” mối quan hệ Nga-Mỹ. Tuy nhiên, nhiệm kỳ tổng thống sắp tới của ông Biden có vẻ như sẽ đẩy Nga vào mối quan hệ sâu hơn với Trung Quốc.
Các nhà phân tích nói rằng Nga sẵn sàng mở rộng hợp tác với Trung Quốc trong 4 năm tới do nguy cơ về các đòn trừng phạt mới với sự bất thường ngày càng tăng của hệ thống chính trị Mỹ.
Alexander Gabuev, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Carnegie Moscow nói với Nikkei Asian rằng chính quyền Mỹ thời Biden nhiều khả năng sẽ khiến Nga “không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải tăng cường quan hệ với Trung Quốc”.
Sẽ không còn nhành ô liu cho Nga?
Trở lại năm 2009, ngay sau khi tuyên thệ trở thành Phó Tổng thống Mỹ, ông Biden đã trình bày một tầm nhìn chính sách đối ngoại trong đó bao gồm cả nhành ô liu dành cho Nga.
“Mỹ và Nga có thể bất đồng nhưng vẫn có thể làm việc cùng nhau ở những nơi có lợi ích song trùng”, ông nói thời điểm đó, đồng thời nhấn mạnh, các lợi ích của 2 nước tương đồng ở nhiều nơi.
Tuy nhiên, quan hệ song phương đã nhanh chóng xấu đi, đặc biệt là sau khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014. Bên cạnh đó, với tư cách là một ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ năm 2020, ông Biden đưa ra cách tiếp cận cứng rắn hơn đáng kể.
Trong một cuộc phỏng vấn trước thềm bầu cử, ứng viên đảng Dân chủ đã gọi Nga là “mối đe dọa lớn nhất của Mỹ ở thời điểm này”.
Ông cũng lặp lại cáo buộc Nga tìm cách gây bất lợi cho ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đồng thời tuyên bố sẽ trừng phạt Nga vì sự can thiệp bầu cử. Ông Biden cũng sẵn sàng dành sự ủng hộ lớn hơn cho các phe đối lập ở Nga cũng như các nước láng giềng như Ukraine muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Moscow.
Trong khi đó, sau 4 năm thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên” dưới thời Tổng thống Donald Trump, ông Biden cam kết đẩy mạnh quan hệ với Liên minh châu Âu và NATO.
Một trong số ít các lĩnh vực mà Joe Biden “đồng quan điểm” với Nga là vấn đề kiểm soát vũ khí. Ông Biden ủng hộ việc gia hạn Hiệp ước START mới, một thỏa thuận mà Nga và Mỹ ký kết năm 2010 theo đó hạn chế số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược mà 2 nước được phép sở hữu và triển khai. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào ngày 5/2, và ông Biden chỉ còn khoảng hơn 2 tuần sau khi tuyên thệ nhậm chức để đàm phán gia hạn với Moscow.
Thêm các đòn trừng phạt mới?
Những tuyên bố của Biden đã dấy lên khả năng về các gói trừng phạt mới đối với Nga. Khi chính thức nhậm chức, ông sẽ có một số lựa chọn chờ đợi ở Quốc hội. Hai trong số đó là Đạo luật bảo vệ các cuộc bầu cử khỏi sự tác động của chính quyền đối địch và Đạo luật bảo vệ an ninh Mỹ trước sự gây hấn của Kremlin – vốn được đặt biệt danh là “dự luật trừng phạt từ địa ngục”.
Cả 2 lựa chọn đều áp trừng phạt mới đối với các ngân hàng do nhà nước Nga sở hữu, lĩnh vực năng lượng của Nga, cũng như cấm các thực thể Mỹ mua bán trái phiếu chính phủ của Nga.
Các biện pháp hạn chế hơn nữa nhằm vào hệ thống tài chính Nga cũng đang được Quốc hội xem xét nhằm trừng phạt Moscow về vụ nghi đầu độc lãnh đạo đối lập Alexey Navalny. Bản thân ông Biden cũng bày tỏ ủng hộ một động thái như vậy.
Alexey Maslov, Giám đốc Viện nghiên cứu Viễn Đông tại Viện Khoa học Nga dự đoán rằng các lệnh trừng phạt xa hơn của Mỹ có thể khuyến khích Nga và Trung Quốc theo đuổi các “dự án tài chính ngân hàng chung” như thiết lập một cơ chế thanh toán riêng, cho phép bỏ qua hệ thống SWIFT do Mỹ dẫn đầu.
“Suốt một thời gian dài, Nga không muốn tạo ra hệ thống tài chính song song, vì Moscow vẫn coi hệ thống hiện tại là đáng tin cậy, mặc dù không công bằng. Những giờ thì không còn lựa chọn nào khác. Nếu Trung Quốc đề xuất các dịch vụ và hệ thống của họ có thể giúp thực hiện các khoản thanh toán của Nga trên khắp châu Á, thì khi đó Nga có thể sẽ đồng ý”, ông nói.
Thực tế, trong vài năm qua, Nga và Trung Quốc cũng tìm cách đối phó với nguy cơ trừng phạt từ Mỹ bằng cách giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Thị phần “đồng bạc xanh” trong giao dịch thương mại giữa 2 nước đã giảm từ 90% năm 2015 xuống còn 46% trong quý 1/2020.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng tỷ lệ Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại tệ từ 1% năm 2017 lên hơn 14% năm 2019 để bù lại sự hao hụt của đồng USD.
Sự lựa chọn của Nga
Dù vậy mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt mới không phải là yếu tố duy nhất đẩy Nga về phía Trung Quốc. Những gì diễn ra trong 4 năm qua đã thuyết phục giới lãnh đạo Nga rằng cho dù ai đứng đầu Nhà Trắng, mối quan hệ Nga-Mỹ sẽ vẫn ở thế đối đầu căng thẳng và khó dự đoán.
Dmitry Suslov, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế Moscow nói với Nikkei rằng lãnh đạo Nga vẫn “rất hoài nghi” việc ông Biden có thể khôi phục trạng thái bình thường cả trong nước và ngoài nước Mỹ.
“Quan điểm của Nga cho rằng, tình hình chính trị ở Mỹ về cơ bản không thay đổi cho dù kết quả bầu cử như thế nào. Sự phân cực chính trị sâu sắc mà chúng ta đã chứng kiến trong 4 năm qua vẫn không mất đi”, ông nói.
Suslov giải thích rằng Moscow dự đoán ông Biden sẽ dành phần lớn thời gian trong 4 năm tới vào một cuộc chiến chính trị trong nước và điều này khiến mối quan hệ Nga-Mỹ khó có tiến triển đột phá.
Với tình thế như vậy, Nga một mặt vẫn sẽ tìm cách tránh một cuộc chạy đua vũ trang mới hoặc đối đầu quân sự trực tiếp với Mỹ. Mặt khác, Nga sẽ ưu tiên đẩy mạnh quan hệ với Trung Quốc và các cường quốc mới nổi khác như Ấn Độ. Và điều này có thể có những ảnh hưởng nhất định trên khắp châu Á và xa hơn thế.
“Vấn đề là ở chỗ những quyết định mà Nga sẽ phải đưa ra trong hơn 4 năm tới sẽ có những tác động dài hạn, thứ phát và khó dự đoán trước ở thời điểm này”, giáo sư Gabuev của trung tâm Carnegie Moscow nói.
Ông Gabuev nêu ví dụ về mối quan tâm của Nga tới tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Theo ông, việc Nga quyết định dựa vào Huawei để phát triển mạng lưới di động 5G có thể khuyến khích các nước Trung Đông, Mỹ Latin và châu Phi làm theo.
Một số nhân vật có ảnh hưởng ở Moscow thậm chí còn cho rằng Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ nhanh hơn bất cứ ai có thể dự đoán và Nga nên tận dụng lợi thế về một thế giới đang thay đổi.
Andranik Migranyan, một giáo sư tại Viện quan hệ quốc tế Moscow, cho rằng năm 2020 là năm đi xuống trong lịch sử khi bối cảnh nước Mỹ hiện nay giống như Khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956 - điều báo trước sự kết thúc của Anh trong vai trò cường quốc toàn cầu.
“Đại dịch Covid-19 đã phơi bày thực tế rằng Trung Quốc chứ không phải Mỹ đang là siêu cường hàng đầu. Trung Quốc đã tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở khắp nơi trên thế giới trong khi nước Mỹ khép mình lại và không thể hiện bất cứ dấu hiệu nào trong vai trò lãnh đạo toàn cầu. Tổng thống Putin từng nói rằng Trung Quốc là một nước lớn có uy thế và đó có thể là một mối đe dọa hoặc một cơ hội đối với Nga. Hiện tại Trung Quốc lại đang thể hiện với Nga rằng họ là cơ hội để mở rộng hợp tác trong mọi lĩnh vực”, theo ông Migranyan./.