Mới đây, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã tiết lộ kế hoạch được đánh giá là tham vọng nhất từ trước tới nay nhằm ứng phó và giải quyết vấn đề nan giải của khu vực và toàn cầu là biến đổi khí hậu. Theo đó, các mục tiêu xanh sẽ từng bước trở thành các chuỗi hành động cụ thể ngay trong thập kỷ này, kỳ vọng sẽ trở thành hình mẫu đi đầu cho các nền kinh tế lớn khác. Nếu được thông qua, quy hoạch tổng thể về khí hậu này được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu (EU) đạt được mục tiêu đến năm 2030 có thể giảm 55% lượng khí phát thải so với mức ghi nhận năm 1990. Tuy nhiên, ngay sau khi công bố, kế hoạch này đã vấp phải những quan điểm trái chiều...
Vì sao giới chức EU gọi bản kế hoạch này là chiến lược tham vọng?
Kế hoạch của Liên minh châu Âu được xem là kế hoạch tham vọng nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu vì kế hoạch này đưa ra các đề xuất, giải pháp có liên hệ đến rất nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế.
Tổng cộng, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khoảng 12 đề xuất, trong đó đáng chú ý là đề xuất mở rộng thị trường carbon, tức là nơi trao đổi các quyền thải khí carbon, rồi việc dự định cấm toàn bộ xe hơi chạy bằng xăng và diesel tại châu Âu trong giai đoạn từ 2030-2035, việc đánh thuế môi trường mạnh hơn vào các lĩnh vực giao thông hàng hải và hàng không, việc áp dụng thuế tại biên giới nhằm vào các sản phẩm nhập khẩu được sản xuất tại những nơi có các điều kiện về bảo vệ môi trường thấp hơn Liên minh châu Âu....
Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tự tin cho rằng bản kế hoạch, còn được gọi là Hiệp định khí hậu này của EU là bản kế hoạch tham vọng, đầy đủ và có tính tiên phong nhất trên thế giới. Điều này là chính xác vì mặc dù các quốc gia trên thế giới đưa ra rất nhiều cam kết chính trị mạnh mẽ về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trong các năm qua nhưng chưa có nước lớn nào đưa ra được một bản lộ trình cụ thể, với các mục tiêu táo bạo như Liên minh châu Âu. Các nước gây ô nhiễm lớn trên thế giới, như Mỹ hay Trung Quốc, mới chỉ có các mục tiêu vĩ mô dài hạn như Mỹ đến năm 2050 sẽ trung hòa khí thải carbon, Trung Quốc cam kết đến năm 2030 sẽ đạt mức trần về phát thải khí carbon rồi đến năm 2060 sẽ đạt mức trung hòa.
Ngoài số mục tiêu và lĩnh vực đa dang, mức độ tham vọng trong bản kế hoạch của EU còn thể hiện ở việc EU thực sự muốn thay đổi toàn bộ cấu trúc kinh tế dựa trên năng lượng hóa thạch của khối này, mà theo như bà Ursula von der Leyen nhận định thì “mô hình này đã đạt đến ngưỡng phát triển cuối cùng”, tức EU không chỉ muốn quyết liệt bảo vệ môi trường hơn bằng các công cụ pháp lý và thuế mà còn muốn thay đổi căn bản mô hình phát triển kinh tế của khối này theo hướng dựa nhiều hơn vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, đầu tư nhiều hơn vào các ngành kinh tế thân thiện với môi trường. Tham vọng này thể hiện rõ nhất ở đề xuất cấm toàn bộ xe ô-tô, mô-tô chạy bằng xăng và diesel trong sớm nhất là 10 năm nữa.
Cội nguồn các quan điểm trái chiều trong nội bộ EU
Để được đưa vào thực hiện theo dự kiến vào năm 2023, kế hoạch cực kỳ tham vọng này của EU cần được tất cả 27 chính phủ các quốc gia thành viên EU cũng như Nghị viện châu Âu thông qua. Tuy nhiên, đây chính là cản trở lớn nhất bởi Liên minh châu Âu (EU) là tập hợp của 27 quốc gia với các trình độ phát triển kinh tế không đồng đều.
Ngay sau khi công bố, kế hoạch này của giới chức châu EU đã vấp phải những quan điểm chỉ trích như sẽ khiến chi phí sinh hoạt tăng cao, không công bằng về mặt công nghệ, khó cân bằng giữa cải cách ngành công nghiệp với nhu cầu bảo vệ nền kinh tế và thúc đẩy công bằng xã hội...
Các thành viên ở Tây Âu và Bắc Âu là những nước phát triển, giàu có trong khi đa số các nước gia nhập EU sau này tại Trung Âu, Đông Âu hay Nam Âu lại là các nước đang phát triển. Vì thế, việc áp dụng cùng một quy định với các nước khác nhau sẽ rất khó được toàn bộ các nước chấp nhận.
Từ nhiều năm qua, các nước như Hungary, Ba Lan... đã nhiều lần phản đối và rất miễn cưỡng chấp nhận các kế hoạch tham vọng của Ủy ban châu Âu về môi trường. Điều này là một thực tế phổ biến trên thế giới, không chỉ tại riêng châu Âu, đó là các quốc gia đang phát triển cho rằng các nước công nghiệp phát triển đã đi qua giai đoạn tàn phá, hủy hoại môi trường để đạt đến trình độ phát triển kinh tế như ngày nay, nên không thể đòi hỏi các nước chậm phát triển hơn bỏ qua giai đoạn này mà không có giải pháp hỗ trợ.
Trong quá khứ, các nước công nghiệp phát triển nhất, như Mỹ, các nước châu Âu... chính là các nước gây ô nhiễm lớn nhất và chính quá trình gây ô nhiễm kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí cả thế kỷ đó, đã góp phần tạo nên thực trạng môi trường toàn cầu hiện nay. Vì thế, các nước phát triển cũng phải có trách nhiệm trợ giúp các nước đang phát triển trong tiến trình chuyển đổi sinh thái, chuyển đổi năng lượng. Nói cách khác, không thể yêu cầu một thành viên EU như Slovenia hay Croatia theo đuổi các mục tiêu môi trường tham vọng như Hà Lan, Đan Mạch, khi trình độ công nghệ, tiềm lực tài chính giữa các bên khác xa nhau.
Ngay cả với những cường quốc EU, vấn đề này cũng rất phức tạp. Ngành công nghiệp ô tô của Đức chắc chắn sẽ vận động rất nhiều để trì hoãn hoặc hạ thấp quy định cấm xe xăng và diesel. Nhiều ngành kinh tế khác tại châu Âu cũng sẽ có các vận động tương tự vì lo ngại sẽ đánh mất lợi thế cạnh tranh với các đối thủ bên ngoài châu Âu. Một doanh nghiệp vận tải hàng không hay hàng hải châu Âu khi phải chịu mức thuế carbon cao thì đương nhiên chi phí khai thác sẽ cao hơn, giá thành sẽ khó cạnh tranh hơn với các đối thủ khác.
Về mặt công bằng xã hội, không phải người dân quốc gia EU nào cũng đủ điều kiện tài chính để trang bị cho mình một phương tiện di chuyển thân thiện môi trường, như ô tô điện, khi mà trung bình thì một người dân châu Âu mua và sử dụng xe hơi trong khoảng 10-15 năm. Ví dụ rõ nhất về nguy cơ bất công xã hội chính là phong trào Áo vàng tại Pháp cuối năm 2018, khi hàng triệu người lao động nghèo tạo nên một cuộc phản kháng, bạo loạn xã hội chỉ vì chính phủ Pháp dự định tăng chút ít thuế đánh vào xăng-dầu để bảo vệ môi trường.
Dư luận khu vực về triển vọng chiến lược này
Châu Âu luôn tự hào rằng châu lục này luôn đi tiên phong trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu và kế hoạch vừa tung ra là để thể hiện vị thế dẫn đầu đó của EU. Tại châu Âu, người dân các nước cũng ngày càng quan tâm hơn đến chống biến đổi khí hậu nên chắc chắn, các tổ chức chính trị-xã hội trên khắp châu Âu sẽ gây sức ép tối đa để Nghị viện châu Âu cũng như chính phủ 27 nước thành viên EU thông qua bản kế hoạch này.
Tuy nhiên, các ngành công nghiệp xe hơi, vận tải, hàng không, luyện kim... cũng chắc chắn sẽ tổ chức các chiến dịch vận động hành lang quyết liệt nhằm bảo vệ lợi ích của mình, hay ít nhất là hạn chế thiệt hại kinh tế. Do đó, giới phân tích cho rằng bản kế hoạch đầy tham vọng này của EU chắc chắn sẽ có nhiều sửa đổi trong thời gian tới và tiến trình đàm phán, thảo luận, thông qua kế hoạch có thể kéo dài 1-2 năm, nhưng chắc chắn kế hoạch này sẽ được thông qua do chống biến đổi khí hậu đang là một trong những ưu tiên sống còn, thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận tại châu Âu.
Đợt mưa lũ lịch sử gây ra các hậu quả nghiêm trọng tuần vừa qua tại Đức và Bỉ càng khiến vấn đề chống biến đổi khí hậu trở thành chủ đề trọng tâm trong các thảo luận chính trị-xã hội tại châu Âu. Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giờ là xu thế không thể đảo ngược./.