Phát biểu trước báo giới ngày 26/6, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) tại khu vực Nam Phi Lola Castro cho biết, chưa bao giờ trong 28 năm làm việc cho Liên Hợp Quốc, bà phải chứng kiến tình huống “kịch tính và thương tâm” như khi cùng người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới tới thăm Madagascar mới đây. Hạn hán đã khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà ở khu vực nông thôn để lên thành phố kiếm sống. Thiếu đói, suy dinh dưỡng khiến hàng trăm trẻ em và người lớn ở Madagascar chỉ còn da bọc xương.

“Thật khó để nói điều tồi tệ nhất tại Madagascar đã xảy đến hay chưa. Thật khủng khiếp. Nhìn lại 28 năm làm việc tại Liên Hợp Quốc, tôi chưa bao giờ phải đối mặt với tình huống này. Hàng trăm người gầy trơ xương, không chỉ trẻ em mà cả người lớn”, bà Castro nói.

Trước đó, trong một dòng trạng thái đăng tải trên trang Twitter cá nhân, Giám đốc điều hành Chương trình Lương Thực thế giới David Beasley cũng đề cập  tình huống tại Madagasca khi nói rằng, nhiều gia đình ở quốc gia Ấn Độ Dương nay đang phải ăn quả xương rồng, lá cây và châu chấu để duy trì sự sống hàng ngày. Thiếu lương thực khiến 400.000 người đang gần chạm đến “nạn đói” và 14.000 người khác đang sống trong tình trạng như thiếu đói.

Người đứng đầu Chương trình Lương Thực thế giới cũng nhấn mạnh, không phải chiến tranh hay xung đột mà chính biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn đến tình huống tại Madagascar hiện nay. Nếu không hành động khẩn cấp, số người phải đối mặt với nạn đói ở quốc gia này sẽ đạt ngưỡng 500.000 người trong vài tháng tới.

Tính từ thời điểm mất mùa do hạn hán vào tháng 9/2020 đến nay, đã có hàng triệu người ở Madagascar cần được hỗ trợ lương thực và dinh dưỡng khẩn cấp. Tuy nhiên, Chương trình Lương Thực thế giới mới chỉ hỗ trợ được cho 750.000 người thông qua việc phân phối thực phẩm và tiền mặt hàng tháng. Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm nghìn người khác vẫn đang bị đẩy đến bờ vực của nạn đói.

Nhấn mạnh đến yêu cầu cấp thiết hỗ trợ Madagascar, bà Lola Castro nói: “Chúng ta đã nhìn thấy 2 mặt của một đồng xu. Chúng ta đã nhìn thấy những trận bão lớn trong năm 2019 ảnh hưởng tới hàng triệu người như thế nào ở Mozambique, Zimbabwe, Malawi, Comoros. Và giờ chúng ta thấy một mặt khác. Hạn hán nghiêm trọng, kéo dài khiến cuộc sống của nhiều người khác không thể tiếp diễn tại những khu vực họ từng sinh sống. Cần phải làm nhiều thứ, đầu tư nhiều hơn cho các khu vực này, phối hợp với cộng đồng địa phương để tìm các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu để họ có thể tiếp tục tồn tại trong nhiều năm nữa. Nếu không, tình trạng di cư sẽ diễn ra ở nhiều nơi trong thời gian tới”.

Cũng theo tính toán của Chương trình Lương Thực thế giới, với sản lượng lương thực dự báo sẽ thấp hơn 40% mức trung bình trong 5 năm qua, cùng với điều kiện bán khô hạn ở miền Nam, mức độ xói mòn đất cao, nạn phá rừng, các trận bão cát và đất canh tác bị hoang hóa trên toàn khu vực..., cuộc sống của các cộng đồng dân cư Madagascar đang tiến sát bờ vực của một thảm họa nhân đạo./.